Chốt phiên, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn đã giảm 15 USD (12,1%), dừng ở mức 108,70 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 16,84 USD (13,2%), chốt phiên ở 111,4 USD/thùng.
Giá dầu liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong phiên giao dịch ngày 8-3, giá dầu WTI và Brent đều đã tăng lên mức cao nhất trong gần 14 năm qua do xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ đứt gãy nguồn cung dầu từ Nga - nước xuất khẩu dầu thứ hai thế giới, sau Saudi Arabia.
Ngày 8-3, Mỹ quyết định cấm nhập khẩu dầu và các mặt hàng năng lượng từ Nga, trong khi Anh tuyên bố sẽ từng bước hạn chế nhập khẩu dầu của quốc gia châu Âu này vào cuối năm 2022. Trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố kế hoạch nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Theo các nhà phân tích của UBS, ngay cả trước khi các nước có động thái trên, ngành xuất khẩu năng lượng của Nga cũng đã bị ảnh hưởng các biện pháp hạn chế của chính các công ty kinh doanh do lo ngại về các lệnh trừng phạt và rủi ro trong tương lai. Tuy nhiên, việc nhanh chóng tìm kiếm các nguồn cung dầu thay thế Nga là một thách thức.
Ngày 9-3, Cơ quan Năng lượng Mỹ (IAE)3 thông báo dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 1,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 4-3. Qua khảo sát của S&P Global Platts, các nhà phân tích ước tính, nguồn cung dầu thô của Mỹ sẽ giảm 700.000 thùng.
Về phía Nga, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky nêu rõ các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga có thể gây ra thiệt hại to lớn cho công dân của chính các nước thành viên.
Ông cho rằng các biện pháp của EU dẫn đến hậu quả là phá vỡ chuỗi thương mại và sản xuất hiện có cũng như gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng tại EU. Theo quan chức Nga, các biện pháp hạn chế còn đặc biệt phản tác dụng trong điều kiện kinh tế toàn cầu bất ổn sau hơn hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành.