Giá dầu thế giới đi lên trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp, khi nguồn cung khan hiếm ở một số nơi trên thế giới và dữ liệu lạm phát Mỹ cho thấy tốc độ tăng giá cả đang chậm lại. Tuy vậy, bất chấp đà tăng của tuần này, giá dầu Brent và dầu WTI lần lượt giảm 5% và 2% trong tháng 3, ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11-2022. Như vậy, giá dầu Brent giảm quý thứ ba liên tiếp, lần đầu tiên kể từ năm 2015.
Trước đó, giá dầu tăng hơn 3 USD/thùng ngay trong phiên đầu tuần này (ngày 27-3) khi sự gián đoạn của hoạt động xuất khẩu tại Iraq làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung dầu thô. Cụ thể, Iraq quyết định ngừng xuất khẩu 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Khu vực bán tự trị người Kurd và các mỏ ở Bắc Kirkuk.
Ông John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý vốn Again Capital LLC ở New York, cho rằng sự sụt giảm nguồn cung sẽ làm trầm trọng thêm bất kỳ tình huống xấu nào đối với nguồn cung trong tương lai. Bên cạnh đó, thương vụ First Citizens mua lại các khoản tiền gửi và khoản vay của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã giúp giảm bớt mối lo ngại bất ổn tài chính có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và suy yếu nhu cầu nhiên liệu.
Đà tăng này được duy trì trong phiên giao dịch liền sau đó trước khi quay đầu giảm vào phiên 29-3, khi thị trường cố gắng tìm kiếm sự cân bằng với hoạt động chốt lời.
Bên cạnh đó, những lo ngại về nguồn cung đã dịu xuống phần nào khi có thông tin cho biết sản lượng dầu của Nga chỉ giảm khoảng 300.000 thùng/ngày trong ba tuần đầu của tháng 3, thấp hơn mức giảm mục tiêu là 500.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, giá “vàng đen” nhanh chóng lấy lại đà tăng trong hai phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 30 và 31-3), khi vấn đề nguồn cung vẫn gây “nhức nhối” với báo cáo cho thấy lượng dầu dự trữ tại Mỹ thấp hơn dự kiến. Số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu tại các kho dự trữ ở nước này đã bất ngờ giảm trong tuần kết thúc ngày 24-3 xuống mức thấp nhất của hai năm. Lượng dầu tại các kho đã giảm khoảng 7,5 triệu thùng so với tuần trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 31-3, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6-2023 tăng 1,29 USD (tương đương 1,6%) lên 79,89 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn tăng 1,30 USD (tương đương 1,8%) lên 75,67 USD/thùng, ghi nhận mức tăng 9% trong tuần qua. Dữ liệu cùng ngày từ Chính phủ Mỹ cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tăng 0,3% trong tháng 2-2023, thấp hơn so với mức tăng 0,6% trong tháng 1.
Các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang chậm lại có xu hướng hỗ trợ giá dầu vì điều này có thể dẫn đến FED nâng lãi suất bớt quyết liệt hơn, thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro như hàng hoá và cổ phiếu.
Nhiều nguồn tin cho biết với việc giá dầu phục hồi từ các mức đáy gần đây, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác có thể sẽ giữ nguyên thoả thuận về sản lượng dầu hiện tại ở cuộc họp vào ngày 3-4 tới. OPEC đã bổ sung 28,90 triệu thùng/ngày trong tháng này, giảm 70.000 thùng/ngày so với tháng 2, và giảm tới hơn 700.000 thùng/ngày so với tháng 9-2022.