Lo ngại dư cung
Theo CNN, ngày 18-6, giá chứng khoán tại New York (Mỹ), London (Anh), Tokyo (Nhật Bản) cùng giảm, theo đó chỉ số Down Jones giảm 0,65% (hơn 170 điểm) xuống còn 26.119 điểm, S&P giảm 0,36% xuống còn 3.113 điểm, Nikkei 225 giảm 0,45%, Hang Seng giảm 0,28%, FTSE của châu Âu giảm 0,33%... Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số Down Jones đã giảm tổng cộng 8,48%, S&P giảm 3,63%.
Giá dầu Brent tại thị trường London giảm còn 40,71 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York giảm còn 37,96 USD/thùng. Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần qua với hơn 539 triệu thùng, ghi dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ cho hay nhu cầu nhiên liệu của nước này trong 4 tuần qua đã giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã giảm 600.000 thùng/ngày xuống còn 10,5 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 3-2018, một phần do ảnh hưởng của bão Cristobal.
Giá dầu tại châu Á trong phiên giao dịch chiều 18-6 cũng giảm, dầu Brent giao kỳ hạn giảm 29 cent còn 40,67 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 43 cent xuống 37,95 USD/thùng.
Theo chuyên gia Kim Kwang-rae, nhà phân tích hàng hóa của Trung tâm Samsung Futures tại Seoul, số liệu của API cho thấy lượng dự trữ dầu của Mỹ gia tăng và các trường hợp mắc Covid-19 đang lan rộng ở Mỹ và Trung Quốc đã làm giảm kỳ vọng cải thiện nhu cầu nhiên liệu ở cả hai quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Thị trường cũng đang chờ đợi cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+ sẽ đưa ra giải pháp cứu nguy dù chỉ là trước mắt. Hồi tháng 4 vừa qua, OPEC và OPEC+ đã cam kết cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5 và 6.
Tại cuộc họp hồi đầu tháng 6, OPEC+ đã nhất trí gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu nói trên sang tháng 7. Cũng trong báo cáo trên, OPEC cho biết có 10 quốc gia sản xuất dầu không thuộc tổ chức này cũng cắt giảm sản lượng thêm 2,95 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5, qua đó đưa tổng mức cắt giảm của OPEC+ lên khoảng 9,2 triệu thùng/ngày.
Ngân hàng Trung ương Chile dự báo kinh tế nước này sẽ sụt giảm khoảng 5,5% - 7,5% do tác động của dịch Covid-19. Đây là mức giảm cao nhất trong 35 năm trở lại đây và lớn hơn rất nhiều so với mức dự báo sụt giảm từ 1,5% - 2,5% đưa ra hồi tháng 3 vừa qua.
Ngân hàng Trung ương Chile cho rằng phần lớn giai đoạn tồi tệ của nền kinh tế đã qua do các hoạt động sản xuất ngưng trệ trong tháng 3 và tháng 4. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng cảnh báo kinh tế có thể giảm mạnh hơn trong tháng 5 và tháng 6 do tác động của việc tăng cường các biện pháp phong tỏa. Nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi từ quý III với mức tăng trưởng trong khoảng từ 4,75% - 6,25% trong năm 2021 và 3% - 4% trong năm 2022.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Brazil tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục mới là 2,25% nhằm kích thích nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Brazil ghi nhận số ca mắc và tử vong do dịch Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này sẽ sụt giảm 8% trong năm nay, mức suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế lo ngại rằng động thái cắt giảm lãi suất là không đủ để khắc phục những thiệt hại do các biện pháp hạn chế gây ra, đồng thời kêu gọi Ngân hàng trung ương rà soát các chính sách tiền tệ.
Các chuyên gia cũng cho rằng phản ứng thiếu hiệu quả của Chính phủ Brazil trước đại dịch làm tổn hại niềm tin của nhà đầu tư. Ngân hàng này cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh dựa vào tác động thực tế của dịch bệnh và các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ.