Giá đất bồi thường thấp phát sinh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài

Đại biểu Quốc hội chỉ ra, thực tế giá đất do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên bị người dân khiếu nại vì cho rằng giá không phù hợp với thực tế, không phù hợp với giá thị trường.

Ngày 21-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đảm bảo quyền lợi của người dân để có đất canh tác

Về sở hữu đất đai, ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) đề nghị bổ sung “quyền sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất được pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm” để phù hợp với điều 14 của Hiến pháp năm 2013.

ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB cũng đề nghị bổ sung việc Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai chịu sự giám sát của nhân dân, Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam và các thành viên theo đúng quy định pháp luật về thực hiện quyền giám sát.

Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ĐB Tô Thị Bích Châu cho rằng, dự thảo luật đã bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần mở rộng đối với đồng bào dân tộc, biên giới, biển đảo để tạo điều kiện cho người dân bám đất, bám làng, giữ an ninh trật tự ở biên giới cùng với các lực lượng khác.

Đồng thời, ĐB đề nghị mở rộng đối với đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, cận nghèo, người khó khăn để đảm bảo cho quyền lợi của người dân để canh tác trên đất của mình, cũng như để đảm bảo người cày có ruộng.

ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) đề nghị cần bổ sung vào khoản 4, điều 122 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất... đối với các trường hợp người sử dụng đất có tài sản hợp pháp gắn liền với đất.

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận tại hội trường ngày 21-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận tại hội trường ngày 21-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó, ĐB đề nghị giữ tên “khuyến khích đầu tư vào đất đai” như tại điều 9 Luật Đất đai năm 2013. Theo ĐB, nội dung “khuyến khích đầu tư vào đất đai” có nội hàm rộng hơn “nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai”. Hơn nữa, không phải chỉ có Nhà nước khuyến khích mà không phải chỉ có khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất.

Vì thực tế, khuyến khích đầu tư vào đất đai là quyền và nghĩa vụ của toàn dân, với tư cách là chủ sở hữu đất đai và vì đối với đất đai không phải chỉ đầu tư sử dụng đất đai mà còn đầu tư vào phát triển đất đai, quy hoạch đất đai, bảo vệ môi trường liên quan đến đất đai.

Xác định giá đất bồi thường phù hợp giá thị trường

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ĐB Tô Thị Bích Châu cho rằng vấn đề quan trọng nhất là giá đất bồi thường khi thu hồi đất. Các vụ việc phát sinh khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của người bị thu hồi đất chủ yếu là vì lý do cho rằng giá đất bồi thường quá thấp.

Thực tế giá đất do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên bị người dân khiếu nại vì cho rằng giá không phù hợp với thực tế, không phù hợp với giá thị trường.

Do đó, ĐB đề nghị quan tâm đến phương thức xác định giá đất của phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Cụ thể, thực hiện đấu giá đất, thực hiện tư vấn giá đất, thực hiện phản biện, giám sát xã hội về giá đất...

ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu tranh luận về thẩm quyền trong tranh chấp đất đai, ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) cho biết, theo quy định, các loại tranh chấp đất đai có giấy chứng nhận thì do tòa án giải quyết.

Các loại tranh chấp đất đai không có giấy chứng nhận thì do đương sự chọn 1 trong 2 hình thức: nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền, hoặc khởi kiện ra tòa án.

Trong trường hợp giải quyết tranh chấp, nếu không đồng ý cách giải quyết của UBND cấp huyện thì có thể khiếu nại lên Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đồng thời cho phép đương sự được khởi kiện tòa án theo quy định tố tụng.

ĐB cho rằng quy định như vậy sẽ rất tốn thời gian, dẫn đến phải giải quyết nhiều lần, cuối cùng lại có thể phải kiện ra tòa. Vì vậy, ĐB đề nghị quy định để tòa án giải quyết, tránh cùng một sự kiện phải xử lý ở nhiều cơ quan khác nhau.

Quan tâm đến các quy định liên quan đến đất quốc phòng, an ninh, ĐB Phan Văn Xựng (TPHCM) đề nghị ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung vốn đầu tư quốc gia về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng.

ĐB Phan Văn Xựng (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phan Văn Xựng (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB cho rằng, dự thảo luật cơ bản đã quy định đầy đủ các căn cứ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng. Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ hơn, ĐB đề nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định tiêu chí khu vực quản lý nghiêm ngặt việc chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng.

ĐB cho rằng, quy định như vậy để bảo đảm tính tổng thể và thống nhất, bảo đảm tính bao quát ở khu vực, vị trí, diện tích đất có giá trị về quốc phòng, an ninh nhưng chưa nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, quy định như vậy là để ràng buộc về phân định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh tại quy định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.

Việc này cũng tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ xác định cụ thể các tiêu chí và phân định khu vực hạn chế tiếp cận đất theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Đồng thời có quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và công trình quốc phòng ở các vị trí chiến lược quan trọng.

Tin cùng chuyên mục