Sáng 3-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Các ĐBQH đều nhấn mạnh, đây là một dự án luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, có tác động sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi vậy, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng việc thu hồi, bồi thường đất bị thu hồi là nguyên nhân chính gây ra khiếu kiện thời gian qua, vì vậy, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho người dân trong trường hợp bị thu hồi.
Về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, để minh bạch trong việc thu hồi đất, tránh việc lạm dụng thu hồi tràn lan, tránh việc khiếu nại khiếu kiện đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi, cần phải rà soát và quy định cụ thể rõ ràng hơn về các điều kiện, tiêu chí đối với những trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
ĐB Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ) đề nghị bỏ nội dung quy định việc thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, bởi đây là hoạt động kinh tế đơn thuần do chủ đầu tư và các doanh nghiệp bất động sản thực hiện. Việc Nhà nước tham gia vào quá trình thu hồi đất để chuyển giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án có thể sẽ làm phát sinh tranh chấp khiếu kiện của người sử dụng đất và tác động đến quyền lợi của người sử dụng đất.
“Đối với dự án này thì cần quy định theo hướng là chủ đầu tư phải thực hiện việc thỏa thuận với người sử dụng đất”, ĐB nêu.
Một số ĐB đề nghị quy định cụ thể nguyên tắc khi thu hồi đất của người dân, đó là “có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên: tại chỗ, trên cùng địa bàn xã, phường; địa bàn tương đồng.
ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên) dẫn thực tế sau khi hậu tái định cư thủy điện Sơn La và cho rằng, cho đến thời điểm này, tỉnh Điện Biên cũng chưa tạo điều kiện được hết cho người dân, khiến người dân rất bức xúc.
“Người dân đã chọn đất để an cư, ngàn đời nếu chúng ta không thu hồi để làm các dự án khác thì họ vẫn trên mảnh đất đó. Thế nên, khi thu hồi đất thì chúng ta phải tạo điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ cho dân”, ĐB Luyến phát biểu.
Liên quan đến tài chính đất đai, các ý kiến đều đồng tình với dự thảo Luật quy định giá đất phù hợp với giá trị thị trường.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá rất cao về sửa đổi Luật Đất đai lần này. Đây là thay đổi bước ngoặt, một đột phá về tư duy quản lý, chuyển từ tư tưởng quản lý, dùng biện pháp hành chính sang sử dụng công cụ thị trường. Điển hình nhất là vấn đề khung giá đất, nếu trước đây có khung giá đất Nhà nước áp đặt một mức giá theo chủ quan, bây giờ không còn nữa, sẽ xây dựng bảng giá sát với giá thị trường.
“Đây là tư duy rất căn bản, là gốc để giải quyết được rất nhiều vấn đề hiện đang vướng mắc, đảm bảo lợi ích người dân. Nếu thực hiện được đúng nguyên tắc này thì sẽ bỏ được phần lớn những tiêu cực hiện nay trong lĩnh vực đất đai”, ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh. Những tham nhũng về đất đai xảy ra vừa qua cũng chính là vì chúng ta quy định bảng giá, khung giá đất quá thấp. Khi bảng giá đất sát thị trường thì sẽ giải quyết được căn bản những vấn đề khiếu kiện.
Tuy nhiên, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, vai trò của cơ quan Hội đồng thẩm định giá đất độc lập lại chưa rõ trong luật. Hội đồng thẩm định giá phải có vai trò xem giá đất do các cơ quan đưa ra đã phù hợp chưa, vì giá đất có thể khác nhau nếu định giá theo các phương pháp khác nhau, và vai trò của Hội đồng thẩm định giá là lựa chọn mức giá phù hợp nhất, làm cơ sở để HĐND quyết định.
ĐB Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) cũng nêu, thị trường đất đai ở nước ta rất phức tạp, giá giao dịch trên giấy tờ công chứng khác với giá giao dịch thực tế, chênh lệch giữa giá quyền sử dụng đất giữa khu vực này với khu vực kia là rất lớn. Ngay tại Hà Nội, chênh lệch giữa Hoàn Kiếm với Cầu Giấy, Nam Từ Liêm có thể lên đến hàng chục lần. Do đó nếu xử lý giá quyền sử dụng đất không chuẩn thì hoặc làm nhà nước thất thu, hoặc kìm hãm sự phát triển.
“Đây là vấn đề nhạy cảm, Quốc hội cần có quyết định phù hợp để đảm bảo sự phát triển của đất nước cũng như là quyền lợi chính đáng của người dân”, ĐB Lâm Văn Đoan nêu.
Đáng chú ý, ĐB Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, Luật Đất đai là luật gốc, lợi ích dân tộc, quốc gia phải là tối thượng. Tại sao khiếu kiện vì đất đai nhiều? Vì chênh lệch đền bù lớn quá, giá đất được đền bù thấp, trong khi đất trở thành đất thương mại thì giá trị khủng, do đó người dân không chịu. Vì vậy tiếp cận giá đất theo giá thị trường là rất đúng, Nhà nước cần phân phối lại chỗ này để bảo đảm quyền lợi của người dân.
“Phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, không được theo lợi ích nhóm. Ví dụ một con đường, một dự án ách tắc nhiều năm chỉ vì lợi ích của một hộ dân, một nhóm người thì phải cân nhắc lợi ích của số đông. Thực tế đã diễn ra như vậy, do đó, bảo đảm lợi ích của dân nhưng phải là số đông người dân”, ĐB Trần Sỹ Thanh nêu quan điểm.