Theo cáo trạng, ông Sơn tự soạn công văn giả số 06/GSKTXLSTT-TT ngày 23-1-2017, bằng cách dán chữ ký, con dấu tên Huỳnh Quốc Hoàng (Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau) rồi photocopy. Công văn có nội dung gửi Thanh tra Chính phủ, đề nghị Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra, xác minh làm rõ việc Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ) có dấu hiệu cố ý không thực hiện kết luận thanh tra. Công văn giả ông Sơn đưa cho ông Nguyễn Văn Quang (ngụ ấp 19, xã Khánh Thuận, huyện U Minh).
Sau đó, ông Quang cùng nhiều hộ dân ấp 19, 20, 21 xã Khánh Thuận kéo đến UBND tỉnh Cà Mau khiếu kiện và đòi lại đất bị Lâm ngư trường (LNT) Sông Trẹm (nay là Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ) thu hồi năm 1996.
Tại tòa, bị cáo Sơn thừa nhận hành có làm giả công văn nêu trên. Bị cáo Sơn giải thích sở dĩ làm giả công văn vì người dân kéo ra UBND tỉnh Cà Mau khiếu kiện đông người vào dịp tết Nguyên đán. Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu nếu để kéo dài sẽ kỷ luật bị cáo. Do đó, bị cáo hứa với người dân sẽ tham mưu cho lãnh đạo thanh tra đề xuất UBND tỉnh, Thanh tra Chính phủ có hướng giải quyết.
Ngoài ra, liên quan đến việc khiếu nại các hộ dân ấp 19, 20, 21 xã Khánh Thuận, bị cáo Sơn cho rằng những kiến nghị của thanh tra không được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến người dân bức xúc nên bị cáo làm giả công văn. Theo bị cáo Sơn việc làm giả công văn 06 là để trấn an người dân không đi khiếu kiện đông người chứ không có vụ lợi cá nhân.
Sau đó, Chánh thanh tra tỉnh Cà Mau ban hành kết luận số 18 (ngày 20-1-2015) và số 3 (ngày 6-4-2015) thay thế Kết luận Thanh tra số 13/2014. Các kết luận về sau có một số nội dung thay đổi liên quan đến việc cắt đất của LNT Sông Trẹm năm 1996. Nhiều hộ dân không đồng tình dẫn đến khiếu kiện đông người, tạo thành điểm nóng khiếu kiện của tỉnh Cà Mau.
Mới đây (ngày 9-3), UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ TN-MT và Tổng Cục Quản lý đất đai tổ chức đối thoại với các hộ dân ấp 19, 20, 21 xã Khánh Thuận.
Thông tin từ buổi đối thoại này, hiện đã có 92 trong số 130 hộ dân đã chấp nhận bồi hoàn công chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng, công xử lý thực bì và đào kênh bằng thủ công do LNT Sông Trẹm thu hồi đất.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đất đai của các hộ dân bị thu hồi là vấn đề tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa người dân và doanh nghiệp, nếu giải quyết đúng quy định của pháp luật thì phải đưa ra tòa. Vụ việc xảy ra vào năm 1996 nhưng đến năm 2012 các hộ dân mới khiếu nại, lúc này thời hiệu khiếu nại vụ việc đã hết không thể giải quyết được. Để không làm thiệt thòi quyền lợi của dân, trong thời gian qua lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã có giải pháp hỗ trợ để đảm bảo lợi ích cho các hộ dân.
Mặc dù lãnh đạo tỉnh và đại diện các cơ quan có liên quan đã phân tích, giải thích vấn đề nhưng vẫn còn nhiều hộ dân chưa đồng tình. Vì vậy, UBND tỉnh Cà Mau đã ghi nhận tất cả ý kiến đề đất đai để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.