Giả công an, viện kiểm sát liên hệ người nhà của bị can “mời” chạy án

Một số đối tượng mạo danh cơ quan tư pháp liên hệ với người nhà của đối tượng đang bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để yêu cầu người nhà nạn nhân chuyển tiền “chạy án” bằng tiền điện tử USDT rồi chiếm đoạt.

Tối 13-11, Công an TPHCM cho biết, gần đây một số đối tượng mạo danh cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra công an, viện kiểm sát nhân dân) liên hệ với người nhà của đối tượng đang bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để yêu cầu người nhà nạn nhân chuyển tiền “chạy án” bằng tiền điện tử USDT rồi chiếm đoạt.

Trước đó, công an tiếp nhận tin báo tố giác phạm tội của người dân trên địa bàn. Qua điều tra, công an phát hiện đây thủ đoạn mới của các đối tượng sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của người dân.

5e18e12da62e1d70443f.jpg
Các đối tượng dùng thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp liên hệ với người nhà của đối tượng đang bị khởi tố bị can, bắt tạm giam

Cụ thể, đối tượng tìm kiếm thông tin về các bị can đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong các vụ án và tìm hiểu về các mối quan hệ thân nhân trong gia đình (vợ chồng, con cái…).

Sau đó, các đối tượng chỉnh sửa, cắt ghép, điền thông tin lên các biểu mẫu tố tụng hình sự như lý lịch bị can, quyết định khởi tố bị can…. để gửi tin nhắn đến người thân của bị can. Các đối tượng xưng là điều tra viên, kiểm sát viên đang thụ lý vụ án.

dc9597a2d0a16bff32b0.jpg
Các đối tượng chỉnh sửa, cắt ghép, điền thông tin lên các biểu mẫu tố tụng hình sự như lý lịch bị can, quyết định khởi tố bị can…. để gửi tin nhắn đến người thân của bị can

Tiếp đó, các đối tượng trao đổi thông tin liên quan đến vụ án (dựa trên nội dung đã được công bố ở các phương tiện thông tin đại chúng), gửi hình ảnh lý lịch, quyết định khởi tố bị can (giả mạo)…. để làm cho người nhà bị can tưởng là thật. Sau đó, đối tượng yêu cầu người nhà bị can phải chuyển một khoản tiền điện tử (USDT) với giá trị 100.000 USDT (2,6 tỷ đồng) vào ví điện tử do đối tượng chỉ định để “chạy án”, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can trong vụ án.

Trường hợp nạn nhân bị “sập bẫy”, các đối tượng sẽ hướng dẫn mua tiền điện tử và chuyển đến các tài khoản ví điện tử theo chỉ định rồi chiếm đoạt.

Công an TPHCM khuyến cáo, hành vi đưa tiền để “chạy án” là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý về tội danh “đưa hối lộ”, “môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 364, 365 Bộ luật hình sự.

Khi gặp trường hợp tương tự, cần liên hệ với công an nơi gần nhất (công an phường, xã, thị trấn; công an quận, huyện, TP Thủ Đức) hoặc liên hệ Trực ban Công an TPHCM (qua số điện thoại 069.3187.344), trực ban Phòng Cảnh sát hình sự (qua số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp điều tra, xử lý.

Tin cùng chuyên mục