Chiều 30-10, trên website Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đăng thông tin cảnh báo trường hợp giả mạo thông báo nhập học chương trình liên kết quốc tế của trường.
Nội dung thông báo nêu: Thời gian gần đây, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) nhận được phản ánh của phụ huynh về việc giả mạo thông báo nhập học các chương trình liên kết quốc tế. Cụ thể, từ 22 đến ngày 26-10, Trường ĐH Bách khoa nói chung và Văn phòng Đào tạo Quốc tế (đơn vị quản lý các chương trình liên kết quốc tế của trường) nói riêng liên tục nhận được phản ánh của phụ huynh, sinh viên về việc nhận được các thông báo học bổng và nhập học chương trình liên kết quốc tế tại các trường ĐH đối tác Úc, Mỹ.
Thông báo giả mạo chữ ký của PGS-TS Mai Thanh Phong, Hệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Có ba loại văn bản được gửi đến phụ huynh, học sinh: “Thông báo về việc nộp học phí tham gia chương trình liên kết quốc tế tại Trường ĐH Quốc gia TPHCM và University of Queensland/ Macquarie University/ University of Illinois Springfield (nôi dung thông báo sinh viên được xét duyệt học bổng 100%, giai đoạn 1 tại Trường ĐH Bách khoa và 70% giai đoạn 2 tại trường ĐH đối tác); Văn bản xác nhận và cam kết (nội dung sinh viên cam kết hiểu rõ chương trình và phải đóng phần học phí 30% còn lại, tương đương hơn 180 triệu đồng); Enrollment Program Waiver (mô phỏng một loại giấy chứng nhận miễn giảm học phí dự tuyển).
Cụ thể như, thông báo nộp học phí tham gia chương trình liên kết, văn bản xác nhận và cam kết ngày 1-10, giả con dấu và chữ ký của "hiệu trưởng" GS-TS Vũ Đình Thành, trong khi ông đã thôi làm công tác quản lý từ tháng 5-2010. Một thông báo nộp học phí ngày 8-10 cũng giả mạo con dấu và chữ ký của hiệu trưởng đương nhiệm là PGS-TS Mai Thanh Phong.
Thông báo giả mạo chữ ký của GS Vũ Đình Thành, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Điểm chung của các văn bản trên là mắc nhiều lỗi chính tả, lỗi văn phạm tiếng Việt và tiếng Anh, mập mờ tên gọi chung ĐH Quốc gia TPHCM mà không nêu rõ chương trình liên kết quốc tế của trường thành viên nào.
Theo đại diện nhà trường cho biết, cách thức hoạt động của tổ chức này là gửi các văn bản trên cho phụ huynh hoặc sinh viên, gọi điện yêu cầu chuyển học phí. Người học được thông báo xét duyệt học bổng 100% giai đoạn một tại Trường ĐH Bách khoa và 70% giai đoạn hai tại ĐH đối tác. Sau đó, sinh viên đóng phần học phí 30% còn lại, tương đương hơn 180 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, các tổ chức này cắt đứt liên lạc với phụ huynh, sinh viên.
Văn bản giả mạo văn bản Trường ĐH Bách khoa Đại diện Trường ĐH Bách khoa cũng cho biết, trường không chủ trương thu học phí sinh viên thông qua tài khoản cá nhân. Đây là hành vi giả mạo giấy tờ nhằm lừa tiền của phụ huynh và người học, ảnh hưởng xấu đến uy tín của trường. Do đó, nếu phụ huynh, sinh viên gặp những nghi vấn tương tự cần liên hệ trực tiếp với trường để được hỗ trợ.
THANH HÙNG