Gia cố tấm lưới, nghiêm trị cán bộ hư

Vì là kỳ họp bất thường, chỉ bàn đến 4 nội dung cấp thiết nhất, nên trong kỳ họp tới đây (dự kiến đầu năm 2022), Quốc hội chưa xem xét những vụ vi phạm tày đình trong phòng chống đại dịch Covid-19 thời gian qua. Nhưng, chắc chắn Quốc hội sẽ sớm giám sát việc điều tra, xử lý các vụ việc này, bởi đó đều là vụ việc khiến người dân hết sức bức xúc. 

Sai phạm trong lĩnh vực y tế vốn đã rất khó tha thứ, còn trong bối cảnh đại dịch đã lấy đi sinh mạng của hơn 20.000 đồng bào, làm suy kiệt nền kinh tế… thì trục lợi y tế là việc làm thực sự gây căm phẫn.

Nhìn lại cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, 2 năm qua, bên cạnh một số thành quả không thể phủ nhận, thì những vụ việc như thế cho thấy nhiều nhược điểm của hệ thống y tế. Nhiều chỗ, hệ thống y tế bị “rỗng” cả về phương tiện, thiết bị, con người, chuyên môn, giải pháp… Đã có những chỉ dấu đáng lo ngại từ khá lâu trước khi “ung nhọt” lớn Việt Á (vụ nâng giá kit test để trục lợi liên quan Công ty Việt Á) vỡ bung. Đó là những sai phạm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và một số CDC khác trong mua sắm thiết bị, chuẩn bị vật tư thuốc men, vaccine cho phòng chống dịch. Nhưng, nếu như đó là những con “cá nhỏ, cá vừa” tinh quái luồn lách qua những mắt lưới pháp luật, thì Công ty Việt Á, với độ phủ 62 tỉnh, thành trên cả nước, thực sự là một con cá lớn đã phá rách tấm lưới kép, cả lưới pháp luật lẫn “lưới” đạo đức.

Khó có thể đổ lỗi cho “lỗ hổng” pháp luật trong trường hợp này. Đây phải coi là trường hợp cố ý vi phạm pháp luật, khi những cán bộ tha hóa, biến chất đã cố tình hạ lưới, thậm chí cắt lưới, cho Việt Á lao qua. Liên quan đến vụ việc này, Bộ KH-CN cũng phải chịu trách nhiệm về độ chính xác của thông tin mà mình phát đi chứ không thể nói là do “tập hợp thông tin từ báo chí” và pháp luật cũng không cho phép bộ dựa trên thông tin báo chí để công bố một sản phẩm đạt chuẩn. Người dân cũng rất khó chấp nhận việc Bộ Y tế lấy lý do “quá bận chống dịch” để không kiểm tra, kiểm soát việc cung cấp sản phẩm, vật tư có tác động trực tiếp, sâu đến sức khỏe toàn dân.

Bên cạnh đó, ở đây còn có vấn đề về năng lực quản trị. Ví dụ khá điển hình là trước đây đã từng có tới 22 ứng dụng (app) theo dõi dịch bệnh mà không kết nối được với nhau, vừa tốn kém, vừa thiếu hiệu quả và rất mâu thuẫn với tinh thần quản trị thời 4.0. Nếu bộ máy tham mưu bên dưới không quản lý tốt lĩnh vực của mình và không liên thông với nhau, ai cũng chỉ biết lo cho mình, không phối hợp với nhau trình Thủ tướng, Chính phủ những kế sách tốt để quản trị quốc gia một cách thông minh hơn, thì các vị lãnh đạo Chính phủ không có phương cách và giải pháp công hiệu quả.

Công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 còn dài và gian nan. Do đó, bộ máy điều hành phải rà soát để nghiêm túc tuân thủ khuôn khổ pháp luật đã có. Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất, nhưng lại không dễ thực hiện, là quán triệt tính thống nhất, thứ bậc của pháp luật. Bộ, ngành, địa phương không được áp dụng các biện pháp vượt quá quy định của Chính phủ, đặc biệt không được làm một đằng, báo cáo một nẻo. Cùng với đó là phải khẩn trương kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý các vi phạm dù lớn, dù nhỏ. Trong hoàn cảnh đặc biệt này thì vi phạm nhỏ cũng là lớn. Với vụ Việt Á, cần phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là mở rộng điều tra, không được “gói ghém”, khu trú lại, vì như thế vô hình trung tiếp tay cho một số kẻ vi phạm ở ngoài vòng pháp luật, để thành nhọt bọc nguy hiểm. Không chỉ các bộ: Y tế, Công thương, Tài chính, KH-ĐT phải tự rà soát, mà cần có sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ. Về phía Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Ủy ban Kiểm tra của Đảng cũng phải vào cuộc. Bởi, những vi phạm “khủng” không thể xảy ra nếu không có sự trợ giúp, tiếp tay của những cán bộ hư hỏng đã bẻ rào, cắt lưới pháp luật.

Cuối cùng, Quốc hội, HĐND các địa phương cần tăng cường công tác giám sát. Để thực sự đồng hành với Chính phủ, thì tất cả chủ thể giám sát của Quốc hội, từ Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, đoàn đại biểu Quốc hội cho đến từng đại biểu Quốc hội, HĐND phải phát huy vai trò giám sát ngay từ khi xây dựng, ban hành luật, nghị quyết. Và, việc giám sát phải diễn ra suốt trong quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống, chứ không phải đợi thực hiện rồi hoặc xảy ra sai phạm rồi mới giám sát. Bởi như vậy, chẳng khác nào cầm thanh kiếm pháp luật chém với vào vạt áo đang bay của kẻ vi phạm đang bỏ chạy đằng trước... Bên cạnh đó là cần phát huy vai trò của tổ chức Đảng, MTTQ, báo chí và nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

TS LƯU BÌNH NHƯỠNG
Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tin cùng chuyên mục