Trong đó, tình hình mất an ninh tại khu vực biển Đỏ thời gian gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành vận tải biển toàn cầu. Biển Đỏ nối Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez, là tuyến đường huyết mạch về năng lượng và thương mại quốc tế khi vận chuyển tới 12% khối lượng thương mại toàn cầu.
Những cuộc giao tranh gần đây đã khiến nhiều hãng tàu phải tạm ngừng hoặc tăng thời gian vận chuyển hàng hóa lên thêm 10 ngày so với thông thường. Hiện ước tính sơ bộ cước tàu biển từ Việt Nam đến khu vực Trung Đông, cụ thể là Israel, tăng hơn 200%, từ 1.800 USD/container lên 6.000-7.000 USD/container; hàng đi Hoa Kỳ tăng hơn 100, từ gần 2.000 USD/ container lên 4.500-5.000 USD/container. Đáng kể nhất là hàng hóa đi thị trường châu Âu tăng mạnh từ mức 600 USD/ container lên 4.000 USD/container. Trong khi đó, Hoa Kỳ và châu Âu lại đang là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt còn phải đối mặt hàng loạt khó khăn khác như rào cản kỹ thuật xanh được các thị trường xuất khẩu áp dụng; những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe liên tục thay đổi theo hướng ngày càng khắt khe hơn với hàng hóa các nước nhập khẩu. Cùng đó, xu hướng leo thang về giá nguyên vật liệu, logistics, năng lượng… buộc doanh nghiệp phải đi trên “băng mỏng” của thị trường.
Để ứng phó với những diễn biến mới, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần nhanh chóng rà soát thời gian ký kết giao hàng cho đối tác và đàm phán để thiết kế lại thời gian giao hàng phù hợp, đồng thời thiết lập cơ chế mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro tổn thất hàng hóa do phải kéo dài thời gian giao hàng hoặc gặp sự cố trong quá trình vận chuyển. Về những rào cản xanh, doanh nghiệp sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chuyển đổi để phù hợp với tiêu chuẩn mà thị trường toàn cầu đang áp dụng. Một tín hiệu mừng là chúng ta đang nỗ lực để thu hút đầu tư những ngành chế biến nguyên phụ liệu nhằm giảm sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu sản xuất nhập khẩu, từng bước hỗ trợ tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.
Ở khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp đã chủ động “bắt tay” hệ thống phân phối trong nước để đưa hàng xuất khẩu quay về phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân. Sự đồng nhất trong chất lượng, mẫu mã hàng hóa xuất khẩu với hàng hóa cung ứng thị trường nội địa đã mở ra thị trường cung ứng “an toàn” và ổn định cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nội vẫn cần trợ lực từ các bên liên quan để vượt qua khó khăn. Theo đó, cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước với cộng đồng quốc tế. Một vấn đề cốt lõi là cần có chính sách hỗ trợ vốn, pháp lý, công nghệ cho doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi xanh, giúp doanh nghiệp có nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu giảm phát thải nhà kính. Trong đó, sớm ban hành chương trình giảm phát thải nhà kính theo lộ trình cụ thể, xây dựng bộ chỉ số xanh (Green index) thúc đẩy bảo vệ môi trường, thành lập thị trường tín chỉ carbon, điện mặt trời, điện mái nhà...
Những giải pháp trên được thực hiện đồng bộ sẽ là nền tảng để tạo nội lực cho doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp gia cố năng lực cạnh tranh và tham gia bền vững hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.