Ngay trước khi Quốc hội bấm nút thông qua hiệp định này tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, 3 bộ luật và 4 luật sẽ được sửa đổi, bổ sung theo lộ trình đã cam kết.
Đó là: Bộ luật Lao động; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật An toàn thực phẩm; Luật Phòng, chống tham nhũng (vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 6).
Bàn cụ thể về những nội dung cần được sửa đổi, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, CPTPP cơ bản dựa trên cơ sở WTO, một số quy định về tự do hóa thương mại, đầu tư trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) và đặc biệt là rất tương đồng với FTA trong ASEAN.
“Để thực hiện các FTA thế hệ mới, chúng ta phải rà soát, sửa đổi pháp luật, luật hóa một số quy định để có cơ sở triển khai luật chơi chung” - vị luật sư kỳ cựu giải thích.
Đương nhiên, Luật Công đoàn năm 2012 cũng cần được rà soát, sửa đổi theo. Chính vì thế mà khi trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bày tỏ lo lắng rằng, thời gian tới, Công đoàn Việt Nam sẽ phải đứng trước sự cạnh tranh về kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở. Điều này cũng sẽ dẫn đến sự chia sẻ nguồn lực tài chính, khó khăn trong thực thi các quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia pháp lý, “gia cố” thể chế pháp luật là yêu cầu hiển nhiên khi đã quyết định hội nhập mạnh mẽ và toàn diện. Việc đáp ứng luật chơi chung không phải chỉ vì nhu cầu của các đối tác, mà là nhu cầu của chính chúng ta; đồng thời tạo ra sức ép để “chữa trị một số căn bệnh kinh niên” của bộ máy hành chính.
Đương nhiên, chuẩn bị khung khổ pháp luật mới chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Quan trọng hơn là thể chế pháp luật phải “ngấm” được đến mọi đối tượng được điều chỉnh, để họ tự chuẩn bị cho việc thực hiện các cam kết về lao động, về sở hữu trí tuệ; nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, định hướng lại đầu tư nước ngoài…