Tham gia đoàn công tác có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường (Trưởng đoàn giám sát); Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì tiếp đoàn.
Theo UBND TPHCM giai đoạn 2015-2023, TPHCM có 257 dự án bất động sản (gồm 227 dự án nhà ở thương mại và 30 dự án nhà ở xã hội). Trong đó, 199 dự án đã xây dựng hoàn thành, 32 dự án đang xây dựng, 24 dự án ngưng thi công và 3 dự án chưa thi công.
UBND TPHCM đã thành lập Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn TPHCM. Chủ tịch UBND TPHCM đã giao các Sở KH-ĐT TPHCM chủ trì giải quyết, tổng hợp đề xuất giải quyết định kỳ các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TPHCM cho 64 dự án còn khó khăn, vướng mắc.
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, TPHCM có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình. Trong đó nhu cầu nhà ở của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước là khoảng 20.000 hộ gia đình.
Nhu cầu nhà ở để chỉnh trang đô thị có khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư... UBND TPHCM đánh giá nhu cầu nhà ở của người dân TPHCM là rất lớn và không ngừng tăng thêm, với quy mô mỗi năm thêm khoảng 200.000 người, chủ yếu là tăng cơ học.
Trong 5 năm (2016-2020), dân số TPHCM đã tăng thêm 983.406 người. Diện tích nhà ở bình quân đầu người vẫn tăng từ 16,7 m2/người vào năm 2015 lên 20,8 m2/người vào năm 2020. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng thêm cho thấy việc phát triển nhà ở đã đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của dân số tăng thêm và còn góp phần cải thiện diện tích nhà ở hiện hữu.
Giai đoạn 2021 – 2023, diện tích sàn nhà ở toàn TPHCM tăng thêm 19,74 triệu m2 sàn. Trong đó nhà ở dân tự xây tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tăng 14,25 triệu m2 sàn (chiếm 72,20%), nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, đạt 5,43 triệu m2 sàn chiếm 27,49%); nhà ở xã hội chỉ tăng thêm 0,062 triệu m2 sàn (chiếm 0,31%).
Theo chỉ tiêu kế hoạch phát triển nhà ở của TPHCM đề ra giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích sàn xây dựng về nhà ở cần phát triển thêm khoảng 50 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đến hết năm 2025 đạt 23,5 m2 /người. Tuy nhiên, việc thực hiện đang gặp nhiều khó khăn, việc đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của dân số tăng thêm dự kiến sẽ hạn chế.
Theo UBND TPHCM, giá bất động sản tại TPHCM tăng trên tất cả các phân khúc. Giá chung cư tăng liên tục với mức tăng trung bình 15%-20% mỗi năm. Trong đó, căn hộ bình dân có giá 25-35 triệu đồng/m2 (năm 2015) tăng lên 40-60 triệu đồng/m2 (năm 2023); căn hộ trung cấp từ 35-50 triệu đồng/m2 (năm 2015) tăng lên 50-70 triệu đồng/m2 (năm 2023), căn hộ cao cấp 70-100 triệu đồng/m2.
Giá nhà phố cũng tăng liên tục trong giai đoạn này, nhưng mức tăng khoảng 10%-15% mỗi năm. Trong đó, giá giai đoạn 2022-2023 dao động từ 50-100 triệu đồng/m2 (nhà phố liền kề) đến 150-300 triệu đồng/m2 (biệt thự).
UBND TPHCM đánh giá nguồn cung nhà ở thương mại đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhưng giá cao, tập trung phân khúc trung, cao cấp, khó tiếp cận đối với người thu nhập thấp, công nhân, lao động nhập cư. Trong khi đó nguồn cung nhà ở xã hội thiếu hụt nghiêm trọng.