Huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi được mệnh danh là “xứ ngàn cau”, cây trồng chủ lực của địa phương. Thế nhưng, thời điểm tháng Chạp này, giá cau đang tiếp tục rớt giá.
Bà Đinh Thị Dung (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) cho biết: “Mọi năm, giá cau tươi ở mức 20.000 đồng/kg, mức cao nhất là 30.000 đồng/kg….Nhưng năm nay giá cau trung bình chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg, thậm chí dù bán 1.000 đồng/kg cũng không có ai mua”.
Toàn huyện Sơn Tây có khoảng 500ha cây cau. Cây cau không kén đất, ít bị sâu bệnh, đầu tư một lần cho thu hoạch trong thời gian dài từ 15-20 năm. Thế nhưng, thị trường của cây cau ở miền núi Sơn Tây lại phụ thuộc vào Trung Quốc, nên giá cau không ổn định.
Huyện Sơn Tây đã từng có hơn 1.000ha cây cau nhưng do giá cả bấp bênh, nhiều thời điểm rớt giá khiến cho người nông dân không bám với cây cau mà chuyển đổi cây trồng khác.
Từ năm 2018, huyện Sơn Tây đã đưa cây cau vào cây trồng chủ lực và xây dựng dự án hình thành vùng chuyên canh. Giai đoạn 2019-2023, dự án sẽ tiến hành trồng mới 830ha cau, với kinh phí 20 tỷ đồng. Đến năm 2025 hình thành vùng chuyên canh cau khoảng 2.000ha/9 xã của huyện Sơn Tây.
Ông Đinh Quang Ven, quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, huyện xác định cau là cây trồng chủ lực, dù cau có năm được giá, năm mất giá nhưng nếu so sánh với các cây trồng khác trên địa bàn như cây keo, cây sắn thì cau vẫn có giá trị hơn. Cau đã giúp cho hàng trăm hộ đồng bào Ca Dong của huyện xói đói, giảm nghèo.
Để giúp người dân vừa trồng cau, vừa đảm bảo nguồn kinh tế gia đình, theo ông Ven, huyện Sơn Tây đã phối hợp với Viện Quy hoạch Nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đưa một số giống cây vào trồng dưới tán cây cau như hành Hà Lan, ổi Nữ Hoàng, cây sả…để những năm cau mất giá thì người dân vẫn có thu nhập.