Tại xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), từ tháng 6 đến nay, giá cau tươi luôn ở mức cao, dao động 45.000-57.000 đồng/kg, sau đó tăng lên hơn 60.000 đồng/kg và tiếp tục tăng lên mức trên hơn 80.000 đồng.
Thậm chí có thời điểm, ngay trong một ngày, giá cau từ buổi trưa đến buổi chiều đã tăng thêm 5.000 đồng/kg.
Huyện Nghĩa Hành có gần 750ha trồng cau với sản lượng khoảng 9.000 tấn. Trung bình, cây cau cho thu hoạch sau khoảng 5-6 năm trồng, thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến cuối năm, trung bình 20-25 ngày/lứa.
Tại thủ phủ cây cau miền núi huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) với diện tích hơn 1.000ha, nhiều ngày qua, thương lái dạo khắp nơi để tìm mua cau.
Là một huyện miền núi với 92% người dân tộc thiểu số, cau được giá đã khiến người dân Sơn Tây vui mừng như “bắt được vàng”.
Ông Đinh Văn Dương (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) đã trả được hết các khoản nợ nhờ bán cau.
Ông Dương đang sở hữu 2ha với 2.000 cây cau. Ông cho biết: “Vụ cau năm nay, mỗi tháng tôi thu về 100 triệu đồng, mức thu nhập tôi nằm mơ cũng không dám nghĩ đến”.
Ông Phạm Hồng Khuyến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Tây, cho biết: “Năm nay giá cau cao nên bà con rất phấn khởi. Hôm qua, ngày 7-10, giá ở mức 75.000 đồng/kg. Hôm nay tiếp tục tăng”.
Tuy nhiên, do cau chủ yếu xuất sang Trung Quốc và giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường này nên biến động khó lường.
Có thể đang cao kỷ lục nhưng ngay sau đó rớt giá thê thảm, thậm chí còn vài ngàn đồng/kg.
Để tăng thu nhập cho bà con trong những năm cau không được giá, huyện Sơn Tây đã vận động bà con đưa một số giống cây vào trồng dưới tán cây cau như hành Hà Lan, ổi nữ hoàng, dứa, sả...