Sau một thời gian tạm lắng, đến nay tình trạng khai thác cát lậu trên sông Sài Gòn lại bắt đầu rộ lên do giá vật liệu xây dựng (trong đó có cát) tăng đột biến.
Ban ngày, những điểm nóng khai thác cát lậu trên sông Sài Gòn tại các xã Trung An, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây… huyện Củ Chi yên ả lạ thường. Vì theo những người dân ở địa phương, ban đêm mới là thời gian “làm việc” của “cát tặc”.
Ông N.V.L, một cư dân sống sát mé sông Sài Gòn tại ấp Bốn Phú, xã Trung An cho biết: Mấy ngày nay “mấy ông chức năng” quần dữ lắm nên mấy tay bơm hút cát chuyên nghiệp rút vào làm đêm hết rồi. Muốn “chứng kiến” hút cát thì phải ở lại đây vài đêm”. Như để minh chứng điều vừa nói, ông lấy ghe đưa tôi đi vòng quanh các con rạch nhỏ, chỉ những chiếc ghe nằm ẩn mình dưới những rặng cây, ông nói: “Trên mấy ghe đó có đầy đủ đồ nghề bơm hút cát. Chỉ chờ đến đêm là chúng xuất hành”.
Theo ông N.V.L., điều đáng lo ngại là những người hút cát lậu mà người dân ở đây gọi nôm na là “cát tặc” ngày càng có nhiều hình thức tinh vi để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng. Chúng dụ dỗ dân địa phương cho chúng sử dụng phần sông, rạch nằm trong đất của họ để trốn khi bị truy đuổi, người nào không nghe thì chúng đe dọa. Chúng thường sử dụng ghe không có biển số để hút cát, khi bị ngành chức năng đuổi bắt, nhắm không thoát kịp là chúng bỏ ghe, nhảy xuống sông bơi trốn đi. “Bắt được phương tiện hút cát mà không bắt được người hút cát lậu thì cũng không giải quyết dứt dạt được vấn đề”, ông N.V.L. nhận xét.
Đi một vòng ấp Phú Trung xã Phú Hòa Đông, chúng tôi tận mắt thấy một số phương tiện bơm hút cát được cất giấu sâu bên trong nhiều con rạch nằm trong phần đất của dân. Ông Hai B., một người dân địa phương khẳng định: “Mỗi đêm, những chiếc ghe này có thể hút được từ 4-5 khối cát. Bán nóng cho các vựa cát ngay trong đêm thì cũng kiếm được gần triệu đồng. Ở vùng này, có nghề nào thu lợi nhanh bằng nghề khai thác cát lậu? Chính vì vậy, nhiều người dân ngoài việc cho “cát tặc” trốn vào vườn nhà còn “tham gia” báo động cho chúng. Chỉ cần thấy ngành chức năng ra quân ở đâu là họ bật đèn pin báo động. Thấy ánh đèn, các ghe cát lập tức tẩu thoát vào những nhánh rạch sâu bên trong nhà dân. Lực lượng kiểm tra có “nghìn mắt, nghìn tay” cũng khó phát hiện…”.
Một gia đình làm nghề chài lưới ở xã An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng cho biết, cách đây không lâu, lực lượng chức năng của huyện Củ Chi bất ngờ tuần tra và đã bắt quả tang 3 ghe hút cát lậu. Theo lời gia đình này, nơi đây giáp ranh xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, nên khi bị ngành chức năng của huyện Củ Chi truy đuổi thì hầu hết các ghe bơm hút cát lậu lại chạy dạt qua tỉnh Bình Dương để trốn tránh.
Nhiều người dân địa phương còn cho biết, việc bơm hút cát trên sông Sài Gòn đã được chia thành từng lãnh địa. Theo luật phân chia này, mỗi khúc sông đều có một đội quân khai thác cát và chẳng ai dám xâm phạm vào lãnh địa của ai. Tuy nhiên, khi có lực lượng kiểm tra là họ “đoàn kết” ngay, báo cho nhau biết và cùng trốn chạy.
Nếu như cách đây khoảng một năm giá cát san lấp và xây dựng tại các đại lý ở TPHCM bán ra từ 40.000 đồng/m3 đến 100.000 đồng/m3 tùy theo loại cát to hay nhỏ, thì vào thời điểm này, giá cát đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. Với lợi nhuận ngày càng lớn như vậy, nạn khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn, sau một thời gian tạm lắng do bị kiểm soát chặt chẽ, nay bắt đầu tái diễn các chiêu thức cũ nhưng hoạt động có phần ráo riết hơn. Nếu ngành chức năng không quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn nạn bơm hút cát lậu, nguy cơ bờ sông sạt lở, người dân mất đất là điều không tránh khỏi.
Quang Đạt