Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Giá cát tại đảo Lý Sơn ở mức 700.000 đồng/m3 khi đến tận nhà ở, công trình xây dựng là quá cao, đặc biệt đối với huyện đảo thì còn khó khăn hơn nữa. Một số công trình hiện nay đang xây dựng trên đảo nếu nhà thầu đặt cọc, trữ cát trước thì họ tiếp tục làm, còn những công trình không chủ động trước thì họ thi công chậm tiến độ, thậm chí không có cát để mua”.
Giá cát tại huyện đảo Lý Sơn đến 700.000 đồng/m3 cát, cao gấp đôi so với trước kia. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Nếu trước kia giá cát chỉ 300.000-400.000 đồng/m3 cát thì nay lên gần gấp đôi khiến cho người dân huyện đảo Lý Sơn xây dựng nhà ở gặp khó, giá bị đội lên cao, người dân bị ảnh hưởng rất lớn.
Việc khan hiếm cát làm chậm tiến độ các công trình đang thi công trên đảo. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Bà Hương cho biết: “Trước thực trạng trên, huyện mong tỉnh Quảng Ngãi có giải pháp giải quyết sớm tình trạng khan hiếm cát hiện nay, để có nguồn cát phục vụ dân sinh, công trình đang xây dựng, từ đó đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm chi phí xây dựng”.
Các công trình nhà ở, công trình nhà nước, tư nhân đang xây dựng trên đảo Lý Sơn.Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện chỉ còn 3 mỏ cát đang hoạt động. Riêng khu vực đồng bằng, gồm 7 huyện, thị và thành phố, nơi tập trung các dự án và công trình lớn và trọng điểm, chỉ duy nhất 1 mỏ còn phép là mỏ Nghĩa Lập (xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức). Mỏ cát này có diện tích gần 9ha, trữ lượng hơn 176.200m3, công suất khai thác 59.000m3/năm.
Được biết từ năm 2022 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức đấu giá thành công 12 mỏ cát, với tổng trữ lượng tài nguyên dự báo lên hơn 4 triệu m3.
Thời gian từ đầu năm 2023 đến nay, có 7 mỏ được đấu giá thành, có tổng diện tích trên 93ha và tổng khối lượng tài nguyên dự báo gần 4,2 triệu m3. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có mỏ cát nào được cấp phép khai thác.