Giá cà phê Việt Nam tăng gấp 3, đổ vỡ các hợp đồng liên kết

Ngày 11-4, tại cuộc họp Ban Chấp hành mở rộng của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) diễn ra tại TPHCM, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VICOFA, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex đã nêu thực tế  là giá cà phê tăng quá nhanh, ở mức rất cao, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, đổ vỡ hợp đồng, tổn hại cho danh tiếng ngành cà phê Việt Nam.

Ông Đỗ Hà Nam cho biết, theo số liệu thống kê, trong tháng 3-2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 185.281 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 680,86 triệu USD, giảm 11,9% về lượng nhưng tăng 41,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Tính tổng lũy kế 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023 – 2024, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng hơn 956.000 tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu chủ yếu cà phê Robusta (trên 825.000 tấn), kim ngạch trên 2,3 tỷ USD.

hinh 2.jpg
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng nhằm tìm giải pháp phát triển bền vững ngành cà phê trong nước. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Theo ông Nam, nếu như thời điểm tháng 3-2023, giá cà phê nội địa ở mức 47.000 đồng/kg thì đến tháng 10-2023 giá đã tăng lên 58.000 đồng/kg và nay đã ở mức 105.000 đồng/kg. Việc giá tăng nhanh và quá cao (tăng gần gấp 3 lần) tạo nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn lớn, nhưng hạn mức tín dụng của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp không tăng.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng nhanh của giá cà phê gắn liền với rủi ro cao đối với các doanh nghiệp thu mua hàng để xuất khẩu thông qua các đại lý, thương lái. Một số đại lý thu mua và doanh nghiệp ở các địa phương có nguyên liệu đã không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng mua bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI, dù các bên đã bàn bạc chia sẻ rủi ro, gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất uy tín của ngành cà phê Việt Nam.

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch VICOFA bày tỏ: Thị trường cà phê không có năm nào giống năm nào nhưng giá cao như hiện nay là điều không bình thường. Chúng ta đang giao dịch ở mức giá 105.000 - 110.000 đồng/kg, có thể còn lên 120.000 đồng/kg. Không ai muốn giá lên mãi và phải có biện pháp để giá ổn định nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên.

IMG_20240411_134501.jpg
Nông dân Tây Nguyên thu hái cà phê trong niên vụ 2023 - 2024. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Đại diện của Nestlé Việt Nam cho biết, việc không mua được hàng bởi giá quá cao khiến doanh nghiệp này phải mua hàng từ các nước khác nhằm giữ cho nhà máy được vận hành ổn định. Năm 2023, Nestlé Việt Nam đã chuyển hướng mua từ các nước khác và năm nay cũng phải làm như vậy để đảm bảo cho nhà máy sản xuất.

Hội nghị có đại diện của hầu hết các nhà rang xay lớn cũng như các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đều cho rằng, giá cà phê tăng quá cao là áp lực lớn lên chuỗi cung ứng; các doanh nghiệp đã rất vất vả để ứng phó với tình trạng chậm giao hàng cũng như hủy hợp đồng với một số nhà cung ứng nhỏ, thiếu uy tín. Tuy nhiên, với mức giá cà phê Việt Nam quá cao như hiện nay, có thể sắp tới sẽ nhập khẩu cà phê từ các nước khác về Việt Nam để rang xay, chế biến.

Theo các doanh nghiệp và đại diện bộ, ngành, địa phương, nguồn cung cà phê tiếp tục gặp thách thức trong niên vụ tới (2024 - 2025) vì diện tích được dự báo giảm từ 700.000 ha xuống còn 600.000 ha. Trong khi đó, tình trạng khô hạn do nắng nóng và thiếu nước tưới đang rất nghiêm trọng ở Tây Nguyên. Thêm nữa, dù giá cà phê tăng mạnh nhưng sức cạnh tranh vẫn chưa bằng với một số loại cây trồng khác, đặc biệt là sầu riêng, nên khó khăn vẫn còn kéo dài.

IMG_20240411_134509.jpg
Giá cà phê tại thị trường Việt Nam tăng quá cao trong thời gian ngắn, khiến tăng áp lực lên chuỗi cung ứng. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA khuyến nghị, để ngành cà phê phát triển bền vững, các bên liên quan chuỗi giá trị cần chia sẻ rủi ro, tăng cường hợp tác lẫn nhau. Cụ thể, các doanh nghiệp FDI cần hợp tác với VICOFA nhiều hơn để có thể làm việc trực tiếp với những doanh nghiệp xuất khẩu lớn, uy tín cao; tránh tình trạng thu mua từ các doanh nghiệp nhỏ lẻ, thiếu uy tín...

Lãnh đạo VICOFA cho rằng, với tình hình hiện nay, VICOFA không thể giải quyết được mà phải tầm bộ, ngành cao hơn; đồng thời phải có giải pháp về tài chính giúp doanh nghiệp thu mua sớm, giữ ổn định giá.

Tin cùng chuyên mục