Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi nhanh với ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong tham gia đề án) về những vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện đề án.
Phóng viên: Ông có thể cho biết sơ bộ về kết quả sau 2 tuần thực hiện việc truy xuất tại công ty?
Ông Trương Chí Thiện: Về doanh thu, chúng tôi chưa thống kê vì thời gian thực hiện còn quá ít. Nhưng điều đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn đã tìm đến công ty rất nhiều, kể cả những bạn hàng trước nay chỉ chuyên bán trứng xá ở chợ cũng yêu cầu chúng tôi cung cấp thêm trứng có thông tin truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, do sản lượng trứng truy xuất, nhất là trứng vịt còn hạn chế nên công ty chưa thể đáp ứng nhu cầu cho các điểm bán lẻ ở chợ truyền thống. Phải đến giai đoạn 2, chúng tôi mới đưa hàng truy xuất ra chợ. Để tránh tình trạng trộn lẫn trứng truy xuất và không truy xuất, hiện phòng kinh doanh công ty đang lên kế hoạch ở mỗi một chợ sẽ xây dựng một điểm bán hàng truy xuất mẫu, kể cả trứng gà lẫn trứng vịt, từ đó các điểm bán khác có điều kiện tham khảo thêm. Nói tóm lại, khi thực hiện truy xuất nguồn gốc, tôi thấy rất triển vọng.
ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt
Theo đánh giá của ông, việc triển khai đề án truy xuất vào thời điểm này có phù hợp?
Tôi cho rằng, thời điểm này đã chín muồi để triển khai đề án vì nhu cầu và ý thức của người tiêu dùng đòi hỏi được sử dụng thực phẩm sạch đã trở nên phổ biến. Thực tế này cũng đang tạo áp lực đối với các nhà sản xuất, chăn nuôi phải hướng đến việc khép kín quy trình sản xuất, truy xuất nhằm đảm bảo tốt nhất về chất lượng cũng như kiểm soát được an toàn thực phẩm. Chính nhờ vậy, các hợp tác xã, hộ nông dân chăn nuôi gia cầm đã hợp tác rất tốt với chúng tôi để triển khai đề án.
Việc triển khai đề án tại công ty có gặp trở ngại gì không, thưa ông?
Với trứng gà, việc thực hiện truy xuất không khó vì quy mô tổng đàn rất lớn, thậm chí các trang trại đã khép kín quy trình từ ấp trứng đến khi gia cầm đẻ trứng. Nhưng với trứng vịt có khó hơn vì tập quán từ xưa nay hay nuôi vịt chạy đồng, chăn thả. Mặt khác, mô hình trang trại nuôi vịt quy mô lớn chưa nhiều nên công ty mất khá nhiều thời gian để thuyết phục, thậm chí phải đầu tư cho các hộ chăn nuôi để họ thấy được lợi ích lớn đem lại từ việc thực hiện truy xuất thì họ mới tham gia. Tính đến nay, chúng tôi đã phát triển được chuỗi trang trại để đáp ứng nhu cầu trứng vịt cho thị trường.
Mỗi ngày công ty có thể cung cấp ra thị trường bao nhiêu trứng truy xuất?
Trong giai đoạn 1, mỗi ngày chúng tôi đưa ra thị trường từ 50.000 - 60.000 quả trứng vịt truy xuất, chủ yếu cung ứng vào các hệ thống siêu thị. Giai đoạn 2, tức khoảng 2 - 3 tháng tới đây, chúng tôi có thể đưa ra thêm 40.000 quả trứng vịt nữa, nâng tổng sản lượng trứng vịt truy xuất lên 100.000 quả/ngày.
Riêng trứng gà, hiện công ty đưa ra thị trường 200.000 quả/ngày. Đây là số lượng phù hợp với thực tế và nếu thị trường có nhu cầu lớn hơn, chúng tôi vẫn có thể đáp ứng được vì các trang trại nuôi gà đẻ đã phát triển với quy mô rất lớn.
Dự tính đến khi nào công ty sẽ phủ kín trứng truy xuất ra thị trường, tiến đến chỉ bán hàng truy xuất?
Như đã nói, ngay giai đoạn đầu chúng tôi đã bán 100% trứng truy xuất ở kênh phân phối hiện đại, còn kênh truyền thống ở chợ sẽ bán trong 2 - 3 tháng tới. Chúng tôi hiện đưa trứng truy xuất ra thị trường theo diện “cuốn chiếu”, vì muốn tăng sản lượng trứng phải tăng tổng đàn trước. Khoảng 6 - 7 tháng tiếp theo, nhiều khả năng, chúng tôi sẽ hoàn toàn cung ứng trứng đã được truy xuất, tiến tới “xóa sổ” dần tình trạng trứng bán xá, trứng không được truy xuất.
Điểm khác biệt giữa việc truy xuất trứng và thịt heo là trứng gia cầm có thể truy xuất ngay từ con giống, vì vậy, để có trứng truy xuất phải trải qua chu kỳ khép kín từ ấp con giống tới khi gia cầm cho trứng. Trong khi đó, thịt heo mới chỉ thực hiện truy xuất từ nơi xuất chuồng đến điểm bán cuối cùng.
Vì sao công ty chọn kênh hiện đại để bán trứng truy xuất?
Sở dĩ chúng tôi chọn kênh siêu thị vì sức lan tỏa ở nơi này mạnh hơn, họ tuân thủ các quy định cũng chặt chẽ hơn so với ở chợ truyền thống. Khi nào có đủ lượng hàng lớn, chúng tôi sẽ đưa ra kênh phân phối truyền thống, nhưng trước đó cũng phải tổ chức tập huấn để tiểu thương hiểu biết quy trình mới nhằm tránh tình trạng bị “treo đầu dê, bán thịt chó”, gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của DN.
Giá bán trứng truy xuất và không truy xuất có chênh lệch không, thưa ông?
Hoàn toàn không có sự chênh lệch về giá, dù chúng tôi phải tốn thêm khoản tiền nhất định để mua vòng nhận diện và in tem truy xuất. Cộng 2 khoản này, chúng tôi tốn thêm 50 - 60 đồng/hộp trứng. Với chi phí tăng thêm này, DN chấp nhận được và cam kết không tăng giá bán vì dù lợi nhuận có giảm đi chút ít nhưng bù lại doanh số bán ra sẽ tốt hơn.
Việc chuẩn bị hàng tết của công ty ra sao, giá bán các loại trứng có tiếp tục ổn định?
Những năm gần đây, việc chuẩn bị hàng tết không quá phức tạp vì các siêu thị đã mở cửa bán hàng ngay từ mùng 2 tết nên người dân không mua trứng dự trữ nhiều như trước. Do đó, lượng hàng bán vào những ngày cận tết tăng không nhiều và không tăng đột biến về giá.
Bên cạnh đó, do DN tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP nên việc chuẩn bị chu đáo nguồn hàng luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Điều này đồng nghĩa, dù sức mua thị trường vào dịp tết có tăng hay không, DN bắt buộc vẫn phải dự trữ lượng hàng tết tăng bình quân từ 20% - 30% so với cùng kỳ năm trước và tăng 40% - 50% so với ngày thường. Giá trứng trong dịp tết sẽ tiếp tục ổn định.
Cảm ơn ông!