Theo Savills, ở TPHCM số lượng giao dịch bất động sản đã tăng trung bình 44%/năm trong vòng 5 năm qua, với đỉnh cao nhất là 49.000 giao dịch trong năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ mới cũng đạt 87% (mức cao nhất trong 5 năm vừa qua).
Sự phát triển có thể được nhìn thấy rõ nhất ở phân khúc nhà giá rẻ (tiêu chuẩn hạng C), là phân khúc chính của thị trường trong giai đoạn 2014-2018, chiếm 60% tổng số giao dịch. Nguồn cung tương lai trong phân khúc này khá lớn, dự kiến căn hộ hạng C sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.
Năm 2018, giá bán trung bình ở TPHCM là 1.600 USD/m2, tăng trung bình 10%/năm trong 5 năm qua. Tỷ lệ người mua nhà có nhu cầu sử dụng cao, phản ánh sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Hiện nay, nguồn vốn mua nhà chủ yếu đến từ vốn chủ sở hữu bởi lãi suất cho vay tương đối cao và việc vay thế chấp nhà chỉ đáp ứng khả năng chi trả của một bộ phận nhỏ người mua; hiện Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng thông qua nhiều chính sách tiền tệ.
Triển vọng kinh tế khả quan, mức FDI cao và các chính sách tiền tệ phù hợp tạo cơ sở niềm tin rằng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển; nguồn cung dự kiến sẽ tăng ở các thành phố lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường bất động sản. Đến năm 2020, phần lớn nguồn cung ở TPHCM sẽ rơi vào phân khúc hạng C.