Theo đó, những nội dung đáng lưu ý hơn cả liên quan đến Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ và dự án nạo vét luồng Định An – Cần Thơ.
Đa số ý kiến tán thành việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các nội dung ưu đãi quy định trong dự thảo nghị quyết, song đều đề nghị trong tổ chức thực hiện cần bảo đảm chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, lợi dụng chính sách (23 ý kiến).
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua để cụ thể hóa quy định tại nghị quyết trên nguyên tắc chặt chẽ, đúng đối tượng, công khai, minh bạch về phạm vi và các điều kiện ưu đãi, quy định danh mục dự án được đầu tư vào Trung tâm, phù hợp với các cam kết quốc tế và cần có chính sách tiêu thụ trong nước đối với sản phẩm sản xuất tại Trung tâm.
Tuy nhiên có số ít ý kiến cho rằng, việc cho phép các doanh nghiệp đầu tư tại Trung tâm được hưởng ưu đãi như dự thảo nghị quyết sẽ phá vỡ mặt bằng chính sách, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư tại các địa phương khác và băn khoăn về phạm vi, ranh giới của Trung tâm. Có ý kiến cho rằng việc thành lập trung tâm này chỉ cần giao cho một cơ quan quản lý địa phương để thuận tiện trong việc thành lập, giải thể thay vì trình Thủ tướng các thủ tục như trong dự thảo.
Về dự án nạo vét luồng Định An – Cần Thơ, mặc dù đa số ý kiến nhất trí, cũng có nhiều ý kiến đề nghị cần đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động môi trường, chế độ dòng chảy, bồi lắng trầm tích, địa hình đáy sông, sự tương tác giữa các yếu tố tác động thủy động lực học có thể dẫn đến gia tăng tình trạng xói mòn, sạt lở, bồi lắng bùn cát…, đề xuất giải pháp khắc phục tối đa tác động tiêu cực của môi trường, gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu trước khi thực hiện và cần quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Một số ý kiến cho rằng, việc áp dụng ưu đãi đặc biệt cho các dự án xã hội hóa như trên có thể sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng chính sách, tạo tiền lệ cho các trường hợp nạo vét luồng hàng hải tương tự khác và đề nghị cân nhắc không quy định trong nghị quyết (4 ý kiến).
Nhiều ý kiến nhất trí với quy định về hiệu lực thi hành áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù sau 45 ngày kể từ ngày thông qua và được thực hiện trong 5 năm (16 ý kiến). Có ý kiến đề nghị quy định thời hạn thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù này chỉ đến hết năm 2025 để bảo đảm phù hợp với kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Một số đề nghị bổ sung quy định đối với các dự án bắt đầu triển khai trong thời gian 5 năm thí điểm của nghị quyết thì được hưởng ưu đãi với mức ưu đãi và thời hạn ưu đãi như dự thảo nghị quyết. Đối với các dự án hình thành và triển khai sau thời gian 5 năm thí điểm nghị quyết sẽ không được hưởng các ưu đãi này hoặc việc được hưởng ưu đãi sẽ căn cứ vào kết quả tổng kết thực hiện để xem xét, quyết định (5 ý kiến).
Một số ý kiến đề nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác để tạo động lực phát triển đồng đều, có thể ban hành nghị quyết đặc thù cho từng vùng, miền và cần có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (9 ý kiến).
Có ý kiến đề nghị việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cần phù hợp với cân đối chung của cả nước (2 ý kiến); có ý kiến đề nghị khi tổng kết việc thực hiện nghị quyết cần đánh giá tác động đối với các địa phương khác (2 ý kiến).