PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết đây là thiết bị đo chất lượng không khí sản xuất tại Mỹ được hỗ trợ. Thiết bị này rất nhỏ gọn, gồm bộ phận cảm biến laser kép PA-II gắn bên ngoài nối với dây cáp điện. Khi lắp đặt bên ngoài, thiết bị cảm biến sử dụng quạt để hút không khí và ghi nhận chỉ số chất lượng không khí trong khu vực với bán kính 5km và hiển thị các chỉ số này lên trang web https://www.purpleair.com.
Từ thông tin ghi nhận của cảm biến, trang web sẽ hiển thị chỉ số chất lượng không khí AQI trong khu vực ngay tại thời điểm tra cứu. Tùy theo chất lượng không khí thực tế, thiết bị sẽ đo và đưa ra thông số chất lượng không khí khác nhau liên quan đến những cảnh báo tác hại đến sức khỏe cộng đồng khác nhau.
Cụ thể, ở mức độ tốt với ô hiển thị màu xanh, không ảnh hưởng đến sức khỏe (AQI từ 0 - 50); trung bình với ô hiển thị màu vàng, chỉ ảnh hưởng đến những người bị nhạy cảm bất thường (AQI từ 51 - 100); mức độ kém với ô hiển thị màu cam, ảnh hưởng đến sức khỏe nhóm người hay nhạy cảm với không khí (AQI từ 101 - 150); mức độ xấu với ô hiển thị màu đỏ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là nhóm nhạy cảm với ô nhiễm không khí (AQI ở mức 151 - 200). Đặc biệt, khi bảng hiển thị màu tím (AQI từ 210 - 300) và nâu sẫm (AQI 301 - 400), chất lượng không khí ở mức độ rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng trong khu vực.
Theo PGS-TS Hồ Quốc Bằng, thiết bị đo chất lượng không khí trên được lắp đặt tại Viện Môi trường và Tài nguyên từ tháng 6- 2018 và qua gần 2 đo được chất lượng không khí trong khu vực đều ở mức tốt. Vì vậy, dự kiến sang tháng 8 tới sẽ chuyển thiết bị sang lắp đặt tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM (quận 10) nhằm ghi nhận chất lượng không khí tại khu vực này.