Ngày 23-8, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM cho biết, đơn vị đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng, lấy ý kiến góp ý về giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn TPHCM.
Theo Sở TN-MT, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định 155/2016) nêu rõ hình phạt đối với các hành vi tiểu tiện; đổ, xả rác không đúng nơi quy định… Tuy nhiên, kết quả triển khai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và tình hình vi phạm về vệ sinh nơi công cộng chưa được cải thiện.
Do đó, Sở TN-MT cho rằng UBND TP cần giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính vệ sinh nơi công cộng cho Đội Quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) và Đội Thanh tra Xây dựng (TTXD) địa bàn. Nguồn tiền xử phạt được dùng để hỗ trợ kinh phí, duy trì hoạt động của lực lượng này.
“Tuy nhiên, với nhu cầu thực tế hiện nay, để đảm bảo việc xử lý vi phạm được kịp thời, việc Chủ tịch UBND quận - huyện giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng cho Đội QLTTĐT và Đội TTXD địa bàn quận - huyện là phù hợp và rất cần thiết”, Sở TN-MT phân tích.
Ngoài ra, Sở TN-MT cũng đưa ra giải pháp cho phép các đơn vị được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.
Vì vậy, TPHCM cần có cơ chế “phạt nguội” thông qua thiết bị ghi hình. Song, các thiết bị ghi hình này phải do cơ quan quản lý nhà nước quản lý và sử dụng để việc xử phạt không diễn ra tùy tiện.
“Hiện nay, đa phần các địa phương đều có lắp đặt camera giám sát an ninh, giao thông. Việc tận dụng mạng lưới sẵn có này và cho phép địa phương được trích xuất hình ảnh từ các camera trên làm chứng cứ xử phạt hành chính về vệ sinh nơi công cộng là rất phù hợp”, Sở TN-MT phân tích.
Sở TN-MT cũng khẳng định, theo quy định hiện nay, các hành vi tiểu tiện bừa bãi, xả rác công cộng… chưa đến mức độ bị công khai thông tin. Tuy nhiên, để việc xử lý vi phạm có hiệu quả, ngoài sự quyết liệt của cơ quan chức năng thì cần có sự góp sức của cộng đồng để phê phán hành vi vi phạm, tăng hiệu quả tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường. Do đó, Sở cho rằng việc công khai thông tin vi phạm về vệ sinh nơi công cộng là rất cần thiết.
Cùng đó, Sở cũng cho rằng, việc hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng hương ước, quy ước về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng tại từng địa phương là cần thiết. Việc này cũng có nhiều ưu điểm, như không phát sinh thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí tổ chức thực hiện. Trong khi đó, nội dung hương ước, quy ước được cộng đồng dân cư tự thỏa thuận nên nâng cao tính tự giác, tự nguyện trong việc thực hiện; đồng thời phát huy được vai trò tự quản của người dân từ cơ sở.
Theo Sở TN-MT, đơn vị đã lấy ý kiến đề xuất giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn TPHCM. Qua đó, hiện mới có 18/24 quận, huyện góp ý giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn. Theo đó, hầu hết các ý kiến tập trung vào các giải pháp chính, như tăng cường lực lượng kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính cho các địa phương. Cùng với đó, UBND quận - huyện, phường - xã được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera để xử phạt. Ngoài ra, các địa phương cũng cho rằng, UBND TP cần ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đổ, thải chất thải rắn xây dựng không đúng mơi quy định. Sở đề nghị các đơn vị liên quan góp ý, đưa ra các giải pháp trước ngày 27-8 để hoàn thiện báo cáo trình UBND TP. |