Ghép xoài

Hỏi: Nhà tôi có trồng một cây xoài Thái Lan ăn xanh rất ngon. Vừa qua tôi chiết cành bằng cách bó bầu sau 3 tháng mà vẫn chưa ra rễ. Về việc nhân giống xoài, hiện nay có rất nhiều cách: nhân giống bằng hạt và nhân giống bằng cách tháp – ghép (ghép áp, ghép mắt, ghép cành). Tuy nhiên, hình như cách chiết cành thường hiệu quả không cao? (Dương Thái Hùng, Hội Nông dân xã Vĩnh Trung huyện Vị Thủy tỉnh Hậu Giang)

Trả lời: Do hạt xoài là loại hạt đa phôi, nếu nhân giống bằng hạt thì khi trồng sẽ gặp trường hợp cây bị lai giống khác. Nhân giống bằng cách ghép áp, ghép mắt, ghép cành đều cho tỷ lệ thành công cao. Không nên chiết cành giống như một vài loại cây ăn quả khác vì xoài khó ra rễ. Phương pháp nhân giống xoài được áp dụng phổ biến hiện nay là ghép mắt và ghép cành. Phương pháp này cho phép nâng cao hệ số nhân giống và tỉ lệ thành công cao, cây tháp cho trái sau khi trồng 3-4 năm. Để ghép cây cần những bước như sau:

* Gốc ghép: có thể sử dụng giống dễ thích nghi như: xoài bưởi, xoài cát chu, xoài hòn… Ươm gốc ghép: trồng bằng hạt các giống trên.

Gốc ghép có đường kính khoảng 1,2 – 1,5 cm (cách cổ rễ 22-25cm) là ghép được. Chọn cây có thân thẳng, vỏ không thương tích, cổ rễ thẳng, gốc ghép phải có vỏ tróc thật tốt. Trước khi ghép 15 ngày, bón 2 -4 g urê/gốc (phun Polyfeed 19-19-19), tưới nước thường xuyên kết hợp chận đọt mỗi tuần một lần.

* Mắt ghép: lấy từ cây đầu dòng (cây cần nhân giống). Chăm sóc cây mắt ghép: ngưng bón phân 30 ngày trước khi lấy mắt ghép, tưới nước đầy đủ, phun thuốc ngừa nấm bệnh. Chọn cành: Chọn cành đọt đã thành thục khoảng 3- 4 tháng tuổi, cành không sâu bệnh.

* Thao tác ghép:
nhiều kiểu ghép nhưng phổ biến là kiểu ghép mắt hình chữ H. Cách này dễ làm và cho tỉ lệ thành công cao.

* Chăm sóc cây ghép:
sau khi ghép 30-40 ngày, tháo dây ghép, cắt ngọn gốc ghép. Bứng ủ gốc ghép và vào bầu, che mát. Tưới nước, bón phân cho cây ghép (phun Polyfeed 19-19 dưỡng chồi non, lá non). Tỉa chồi dại mọc từ gốc ghép. Xử lý các thuốc phòng trừ sâu bệnh cho rễ, đọt non của cây: Sago super, Sec saigon, Carbenzim, Dipomate .

Vườn cây trồng 5-7 năm trước, bây giờ giá trị không cao, muốn đổi giống mới có thể ghép để cải tạo vườn. Đây là cách đổi giống mới cho năng suất cao, phẩm chất tốt hơn. Thời gian cho trái ngắn khoảng 2 năm (trồng lại mất 3-4 năm). Mắt ghép có sẵn tại địa phương thì tỉ lệ thành công càng cao.

Các bước thực hiện tương tự như trên nhưng khác ở chỗ gốc xoài đã lớn nên phải ghép trên cành. Để trừ hao mắt ghép chết có thể ghép 2-3 mắt trên mỗi cành. Chọn những cành càng gần thân chính càng tốt (để khi mắt ghép mọc ra ít bị yếu ớt, gió gây đổ ngã về sau) nhưng phải dễ bóc vỏ. Khi bóc vỏ, quan sát thấy phía trong phải láng, không sần sùi, không có sọc, xơ là đạt yêu cầu. Chất dịch do rầy bông xoài và các loài rệp tiết ra là môi trường nấm phát triển, tạo thành những mảng bồ hóng đen trên lá và quả. Nấm không phá hủy tế bào và có thể tự bong tróc ra, tuy vậy ảnh hưởng đến quang hợp của lá và làm đen xấu vỏ quả.

- Biện pháp phòng trừ: chủ yếu là rệp, không cần phun thuốc trừ nấm, khi có bệnh hạn chế phun phân bón qua lá. Thuốc sử dụng: Sec saigon, dầu khoáng SK, Dragon, Dimenat… theo liều khuyến cáo. 

KS. ĐẶNG VĂN TỚI
(Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn-SPC)

Tin cùng chuyên mục