Một người đàn ông 43 tuổi ra đi đã nối dài sự sống cho nhiều người ở lại. Anh đã giúp đội ngũ y bác sĩ làm nên những kỳ tích mới trong y học Việt Nam - lần đầu tiên thực hiện lấy đồng thời 6 tạng từ cùng một người chết não, lần đầu tiên tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận) và lần đầu tiên kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi tại TPHCM. Sau hơn 10 ngày, tất cả 5 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.
Món quà vô giá
Tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 24-12, GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức, vui mừng cho biết lần đầu tiên, các bác sĩ của BV thực hiện thành công kỹ thuật ghép 2 phổi từ người cho chết não. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ một người cho đa tạng chết não. Lãnh đạo BV Việt Đức cho biết, người hiến đa tạng là một nam giới 43 tuổi ở Ninh Bình, tiền sử khỏe mạnh.
Tuy nhiên, người đàn ông này đã bị chết não do bị phình mạch não vỡ, điều trị tích cực ở BV Bạch Mai không kết quả. Từ khi còn khỏe bệnh nhân đã tha thiết có nguyện vọng hiến tạng, nên khi không may bị chết não, gia đình bệnh nhân đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng.
Ngay sau đó, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã làm thủ tục điều phối bệnh nhân về BV Việt Đức để hiến tạng. Sau khi có nguồn đa tạng được hiến, các bác sĩ của BV Việt Đức đã tiến hành ca ghép phổi cho bệnh nhân nam N.V.Đ. (17 tuổi) được chuyển đến BV Việt Đức từ Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai trong tình trạng rất nặng.
Ca phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân N.V.Đ. kéo dài gần 15 giờ. Theo GS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực BV Việt Đức, sau hơn 10 ngày ghép phổi, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt. Điều này chứng tỏ ca ghép 2 phổi đã rất thành công về kỹ thuật. Dự kiến 2 - 3 tháng sau ghép, bệnh nhân sẽ được xuất viện. Tuy nhiên trước mắt, nam bệnh nhân này cần chăm sóc đặc biệt vì ghép phổi phức tạp hơn nhiều các dạng ghép tạng khác, đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng tạng ghép rất cao.
GS Trần Bình Giang cho biết thêm, trường hợp được ghép tim là người đàn ông đã 60 tuổi, mắc bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối, đang điều trị hồi sức tích cực và nguy cơ tử vong rất cao trong vòng một tháng nếu không có tim hiến để ghép. Đến thời điểm này, bệnh nhân đã ngồi dậy ăn uống và sinh hoạt tại phòng cách ly sau ghép tim. Cùng đó, một bệnh nhân ghép gan và một bệnh nhân ghép thận cũng đã ổn định sau ghép tạng.
Kỹ thuật vượt bậc
Cũng với quả thận của người đàn ông 43 tuổi để lại, bé trai Đ.V.H. (15 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) đang điều trị bị suy thận mạn giai đoạn cuối tại BV Nhi đồng 2 cũng được cứu sống. Chị Tâm (mẹ bé H.) cho biết, bé được phát hiện bệnh hơn một năm nay, dự tính ghép với người cho đồng huyết thống nhưng tạm hoãn vì người cho có tình trạng tăng men gan. Bé được đăng ký vào danh sách ghép chết não quốc gia vào tháng 6-2018.
Ngày 9-12, nhận được thông tin về trường hợp bệnh nhân chết não có mong muốn hiến thận từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, BV Nhi đồng 2 đã khẩn trương triển khai những bước cần thiết đúng theo quy định. Thận ghép được bảo quản an toàn, kỹ lưỡng trong thùng giữ đông chuyên dụng và vận chuyển từ BV Việt Đức đến BV Nhi đồng 2 bằng đường hàng không.
“Gia đình tôi vô cùng biết ơn trước nghĩa cử cao đẹp của người hiến thận và gia đình người hiến thận. Chúng tôi coi gia đình người hiến thận là gia đình thứ 2, coi người hiến thận là người anh của con trai tôi bởi đã mang đến cho con tôi một cuộc sống khác với cuộc sống bệnh tật trước đây”, chị Nguyễn Thị Tâm (mẹ bệnh nhi Đ.V.H.) xúc động chia sẻ. |
Tuy nhiên, do khó khăn cách trở về mặt địa lý, thời gian vận chuyển tạng và thời gian thiếu máu lạnh thận ghép kéo dài nên hiện tại bệnh nhân vẫn được theo dõi điều trị tích cực. Hiện tại, tình trạng bệnh nhi đã ổn định, đi tiểu tự chủ được 4 lít/ngày, ăn uống tốt theo chế độ chuyên khoa dinh dưỡng và có thể đi học lại sau 6 tháng. Còn theo GS Trần Đông A, cố vấn ghép tạng của BV Nhi đồng 2, mặc dù 15 tuổi nhưng thể trạng của bệnh nhi tương đương người trưởng thành, hoàn toàn phù hợp với quả thận hiến.
Đây cũng là lần đầu tiên một trẻ em được nhận nguồn tạng hiến từ người chết não. Điều này mở ra cơ hội cứu sống nhiều trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo bởi Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác của Việt Nam vẫn chưa cho phép lấy tạng của trẻ em dưới 18 tuổi.
Kể từ ca ghép thận đầu tiên ở nước ta được thực hiện vào tháng 6-1992 tại BV Quân y 103, tới nay trải qua hơn 25 năm, lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc với hàng ngàn ca ghép tạng các loại. Không chỉ ghép tạng từ người sống hiến tạng, chúng ta cũng đã thực hiện được nhiều ca ghép tạng từ người cho chết não, tới ghép đa tạng, cũng như thực hiện các ca ghép tạng xuyên Việt, qua đó đã mang lại cơ hội sống cho rất nhiều người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo thống kê của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, hiện cả nước có hơn 6.000 người cần ghép gan, 4.000 - 5.000 người cần ghép tim và hàng chục ngàn người cần ghép thận. Trong khi đó, tính đến ngày 21-12-2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi.
Những con số này cho thấy, việc hiến tạng khi chết não của người dân vẫn còn rất hạn chế nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu của những người bệnh cần ghép tạng.