Ghép tạng từ người cho chết não - Một người cứu nhiều người

Dù đi sau so với thế giới, nhưng đến nay Việt Nam đã ghi nhận cả ngàn trường hợp ghép tạng thành công như ghép gan, thận, tim… Hàng năm có tới hàng ngàn người bệnh cần ghép tạng nhưng phải chờ do nguồn tạng hiến tặng còn rất ít ỏi, nhiều trường hợp đã tử vong trong lúc chờ đợi. Hiện nguồn tạng hiến từ người cho chết não là rất đáng quan tâm, bởi một người hiến có thể cứu tới 7 người khác.
Ghép tạng từ người cho chết não - Một người cứu nhiều người

Dù đi sau so với thế giới, nhưng đến nay Việt Nam đã ghi nhận cả ngàn trường hợp ghép tạng thành công như ghép gan, thận, tim… Hàng năm có tới hàng ngàn người bệnh cần ghép tạng nhưng phải chờ do nguồn tạng hiến tặng còn rất ít ỏi, nhiều trường hợp đã tử vong trong lúc chờ đợi. Hiện nguồn tạng hiến từ người cho chết não là rất đáng quan tâm, bởi một người hiến có thể cứu tới 7 người khác.

Cải tử hoàn sinh

Vừa được ghép gan từ một người cho chết não ở Bệnh viện Chợ Rẫy trong 2 tuần qua, nam bệnh nhân 50 tuổi (bí mật danh tính), đang chờ ngày xuất viện. “Tôi thấy mình như từ cõi chết trở về. Trước đó nghe bác sĩ nói suy gan giai đoạn cuối, chỉ có thể ghép mới có cơ hội sống, nhưng lấy đâu ra gan mà ghép. Gia đình tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi, nhưng còn may mắn quá”, bệnh nhân nghẹn ngào nói… Trước đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông M.V. (ngụ TPHCM) cũng đã được ghép thận từ người cho chết não. Ông M.V. bị suy thận mạn nên thường xuyên phải chạy thận nhân tạo. “Ba năm suy thận và đến giai đoạn cuối, tôi như vô vọng, cuộc đời đếm từng ngày thì bất ngờ nhận được nguồn tạng hiến từ một người cho chết não”, ông M.V. xúc động kể lại. Sau cuộc ghép, hiện sức khỏe ông M.V. đã bình phục. Tương tự là anh N.Đ.H. (ngụ quận Bình Thạnh) cũng vừa được ghép thận từ người hiến tặng chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy. “Tôi nghĩ có phép màu nào đó mang hơi hướng như trong truyện cổ tích, khi mà có cây thuốc thần giúp cải tử hoàn sinh”, anh H. nghẹn ngào… Giữa tháng 7-2015 vừa qua, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cũng đã ghép tim thành công cho nam bệnh nhân 26 tuổi (ngụ Lạng Sơn) từ tim của người cho chết não. Đây là ca ghép tim thứ 10 ở Bệnh viện Việt Đức với nguồn tạng hiến từ người cho chết não. Nguồn tạng này cũng đã ghép cho 1 trường hợp bị suy gan gian đoạn cuối, 2 trường hợp được ghép thận và 2 bệnh nhân được ghép giác mạc.

Một trường hợp được ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Thực tế, nguồn tạng hiến từ người cho chết não rất hiệu quả khi ghép bởi khả năng cứu sống người bệnh rất lớn, một người chết não hiến tạng cứu được nhiều người cùng lúc. Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đã công bố về ca chết não hiến đa phủ tạng cứu một lúc 6 người: gan để ghép cho một bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn cuối, 2 quả thận ghép cho 2 trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối, 2 giác mạc ghép cho 2 người và tim, phổi cũng được ghép cho các bệnh nhân khác ở Bệnh viện Trung ương Huế.

PGS-TS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết tính đến tháng 6-2015 đã có gần 600 người đăng ký hiến tạng trong trường hợp bị chết não, ngưng tim và đây là một nguồn tạng đáng kể cần ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tiễn.

“Sống là cho và chết cũng là cho”

Mặc dù đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực ghép tạng nhưng cho đến nay, trên cả nước ta, số người được ghép tạng vẫn khá khiêm tốn. Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, từ năm 2008 đến nay, bệnh viện này chỉ tiếp nhận được khoảng 10 trường hợp hiến tạng từ người cho chết não. Nguồn tạng này đã được sử dụng để ghép, cứu sống gần 20 trường hợp. Một người chết não nếu hiến tạng có thể cứu sống được 7 người bệnh với thận, gan, tim, phổi và tụy tạng. Theo PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, sau 23 năm kể từ khi kỹ thuật ghép tạng được thực hiện tại Việt Nam, đến nay số bệnh nhân đã được ghép trên cả nước còn rất ít. Hiện mới chỉ có 1.200 trường hợp được ghép thận, 46 trường hợp ghép gan, 10 trường hợp ghép tim và 1 trường hợp ghép thận tụy. Trong khi, số người có nhu cầu được ghép lên tới gấp nhiều lần số được ghép. Chẳng hạn riêng thận hiện có khoảng 6.000 người, gan có trên 1.500 người đang có nhu cầu chờ ghép. Hiện Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cũng đã ra đời để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển ngành ghép tạng nhưng khó khăn nhất vẫn là nguồn tạng, trong khi theo Luật Hiến ghép tạng có hiệu lực từ năm 2006 không cho phép mua - bán, trao đổi tạng ở người.

Theo GS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học TPHCM, nguồn tạng trông chờ vào hiến tặng từ người cho còn sống; người chết não; người ngừng tuần hoàn (chết tim, tim ngừng đập). Thế nhưng những rào cản về văn hóa, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng, sợ sử dụng nguồn tạng cho không đúng mục đích… nên đa số nguồn tạng hiến là từ người cho có quan hệ huyết thống với người được ghép.

Trước thực trạng nói trên, Bộ Y tế đang vận động, khuyến khích nguồn tạng hiến từ người cho chết não, ngưng tim. Theo Bộ Y tế, hàng năm có hàng trăm trường hợp tai nạn lao động, tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não dẫn đến chết não nhưng chưa khai thác hết nguồn tạng hiến. Một trong những rào cản lớn vẫn là văn hóa, tập tục từ gia đình người chết não. Theo PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Luật Hiến ghép tạng cần quy định rõ hơn để tận dụng được nguồn tạng hiến mà không phải gặp rắc rối, khiếu nại từ gia đình người cho. Các chuyên gia y tế cũng nhìn nhận chính sách Bảo hiểm Y tế vẫn chưa khuyến khích việc hiến tạng. Quy định hiện nay người hiến tạng vẫn phải thanh toán các chi phí khi hiến tạng, dù có bảo hiểm y tế, như chi phí hồi sức, xét nghiệm thuận hợp… Vì vậy, muốn có tạng thì bệnh viện phải chi trả các khoản trên, hoặc bệnh nhân nhận tạng hiến phải bỏ tiền ra! Mặt khác, chi phí ghép tạng khá lớn (trung bình 200-300 triệu đồng/ca) nên những người bệnh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn gần như không có điều kiện ghép tạng… Theo PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, cần sớm có những chính sách thuận lợi hơn để tạo điều kiện ghép tạng cho nhiều người. Nhưng trên hết, theo PGS Sơn là sự tự nguyện, sự hiến tặng của người cho còn sống, người cho chết não, ngưng tim, như chính câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu: “Sống là cho và chết cũng là cho”.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục