Nhà sách T.T. (Hà Nội). Xem cuốn Đường và phố Hà Nội thấy một số tên phố, tên ngõ là lạ, bạn tôi lấy viết ra định ghi chú vài dòng làm tư liệu. Nhác thấy, cô bán hàng lập tức tiến đến và buông lời lạnh băng: “Không được ghi chép trong nhà sách”. Còn tại nhà sách P.N. (TPHCM), khi tôi lấy điện thoại ghi lại website của mấy tờ tạp chí nước ngoài thì bắt gặp cái nhìn nặng trịch của mấy người bán hàng. Đó là hai chuyện buồn mà người bạn và tôi nhận được lại đúng vào ngày 23-4, ngày được UNESCO lấy làm “Ngày đọc sách và bản quyền thế giới”…
1. Ngày đọc sách xuất xứ từ một phong tục của dân xứ Catalan (Tây Ban Nha). Vào ngày 23-4 rất nhiều hội chợ sách được tổ chức và mỗi người mua sách đều được tặng một đóa hồng. Người Đức thì mở những cuộc thi bình sách, giao lưu giữa tác giả và bạn đọc.
Tại châu Phi, các bạn trẻ tình nguyện đem sách tặng và đọc sách cho bệnh nhân, người cao tuổi, người mù chữ… Tại Pháp, có khoảng 4.000 hoạt động tôn vinh văn hóa đọc được tổ chức trong dịp này...
Ngoài ra, UNESCO còn khởi xướng nhiều hoạt động thú vị như: các nhà xuất bản, các thư viện tổ chức lễ kỷ niệm Sách đường phố bán sách giá rẻ có kèm chữ ký của tác giả cho những người mê đọc; phân phối (poster, cờ, bút, áo phông, bưu thiếp v.v...) quảng bá cho ngày đọc sách, tặng sách cho các khu dân cư nghèo, các thư viện khó khăn, bệnh viện, nhà tù...; tổ chức các cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết... dành cho trẻ em và giới trẻ…
2. Tại Việt Nam, theo thống kê của ngành xuất bản, năm 2007, cả nước có hơn 250 triệu bản sách được in, doanh thu 1.393 tỷ đồng. Nhiều người lạc quan cho rằng đây là số liệu thể hiện việc đọc sách của người Việt Nam.
Nhưng thực tế, trong số sách được in, có tới 80% là sách giáo khoa, 20% số sách khác còn lại chia cho 85 triệu dân thì chỉ đạt chừng 0,6 cuốn/người/năm và một người mới chỉ bỏ ra 16.000 đồng để mua sách. Đây là chỉ số mà rất nhiều người phải thốt lên giống PGS-TS Trần Hữu Tá: “Quá bi đát và không thể chấp nhận được”.
Một con số khác, năm 2007, nhà nước tài trợ tới 7 tỷ đồng cho các NXB làm sách để phát triển văn hóa đọc trong nhân dân. Song đáng buồn là do đầu tư dàn trải, nên cuối cùng, toàn ngành xuất bản không có được công trình nào đáng kể.
Tại Hội sách TPHCM lần V đã thu hút hơn 600.000 lượt người đến tham quan mua sắm, doanh thu trên 15 tỷ đồng. Nhưng ai cũng biết rằng, phần lớn lượng sách được bán ra là những loại sách công cụ (Văn minh làm giàu, Làm nhà theo phong thủy,Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim v.v...) chứ những tác phẩm văn học, văn hóa, chính trị… thì vẫn còn chịu cảnh hẩm hiu.
3. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, để có được niềm yêu thích sách, trẻ phải được rèn luyện từ nhỏ và nếu đến năm 20 tuổi mà ai đó vẫn chưa thích đọc sách thì cả cuộc đời người ta sẽ chẳng màng đến văn hóa đọc. Nhưng với cách giáo dục giáo điều và nhồi nhét như hiện nay, thì lấy đâu ra thời gian cho trẻ em đọc các loại sách khác.
Đánh giá học lực của học sinh, các thầy cô lấy thước đo là em nào thuộc sách giáo khoa, răm rắp theo bài giảng của giáo viên… là giỏi, thì còn em nào dám phát huy tinh thần sáng tạo và liệu ai còn có nhu cầu khám phá kiến thức ngoài sách giáo khoa.
4. Sách là loại hàng hóa đặc biệt nên hiệu sách không thể giống như một sạp hàng ngoài chợ. Bước chân vào nhà sách, bạn đọc phải được tham dự vào một môi trường văn hóa đích thực.
Nhưng, ở một số nhà sách hiện nay, người bán sách mới chỉ là người trông coi sách, tính tiền chứ chưa thực sự là người bạn cùng khách, bạn cùng sách. Tại một nhà sách lớn, tôi bật cười khi thấy người ta xếp tập bút ký Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng vào kệ sách dạy nấu ăn, thì mong gì nhân viên nhà sách tư vấn được cho tôi xem cuốn Tiết thanh minh (Elizabeth Kemf) thuộc thể loại nào, viết về cái gì ?!
Chuyện cấm ghi chép trong nhà sách như ở trên, đáng xấu hổ lại là hiện tượng diễn ra phổ biến ở các nhà sách. Người bán chỉ muốn khách hàng xem cho nhanh, mua gọn rồi về lẹ để lấy chỗ cho người khác. Hiếm có nhà sách nào, nhân viên lại niềm mở khi bạn chỉ đứng coi cọp sách.
… Đang cần tra cứu tài liệu về địa chí về lục tỉnh Nam kỳ xưa nên tôi mừng quýnh khi tìm thấy cuốn Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức) tại nhà sách Phú Xuân (Huế). Mải đọc, lúc ngẩng lên, tôi bất ngờ nhận được ánh mắt hấp háy nụ cười của một ông lão.
Cơ duyên được hạnh ngộ với ông trong buổi chiều muộn nơi đất cố đô là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của tôi trong cuộc đời làm bạn cùng sách. Ông Trần Văn Tựu đã 88 tuổi, là người đam mê sách kỳ lạ. Ngày ngày, ông rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ, đến bất cứ nơi nào có sách.
Không có nhiều tiền để mua sách nên ông vào các nhà sách để… đọc chùa. Ông tâm sự rằng, sẽ hạnh phúc lắm nếu như ở đâu cũng được như ở nhà sách Phú Xuân, được ẩn vào một góc, lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế êm ái mà trầm ngâm cùng sách.
Bao giờ, những nhà sách của chúng ta dành hẳn những chiếc ghế sạch sẽ, êm ái đặt nơi lối đi rộng rãi, ở bên cạnh kệ sách để khách hàng thoải mái nghỉ chân, thảnh thơi lựa chọn hay háo hức đọc ngấu nghiến những cuốn sách mà mình yêu thích… để những người yêu sách không còn phải ước mơ đến tội nghiệp như ông Tựu?
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG