Gérard Chapuis: người gác đền tranh Việt

Đó là bác sĩ Gérard Chapuis - nhà sưu tập cổ thư và cổ vật người Pháp gốc Việt đang sinh sống tại Marseille (Pháp). Kỷ niệm khá thú vị trong đời làm báo của tôi đến nay, cái tên Gérard Chapuis và tôi thường đồng hành trên nhiều trang báo chuyên đề về cổ vật Việt Nam và quốc tế. 
Bì thư gửi từ Marseille của Gérard in tem tranh “Tình mẫu tử” của Lê Thị Lựu.
Bì thư gửi từ Marseille của Gérard in tem tranh “Tình mẫu tử” của Lê Thị Lựu.

Gérard Chapuis từ TPHCM đến Pháp năm 1977, học lớp 11, lấy bằng Tú tài, rồi đậu tuyển vào y khoa và học tại Marseille. Những lúc rảnh rỗi, để vơi nỗi buồn tha hương, anh mày mò sưu tập sách, bưu ảnh, bưu hoa, rồi tranh Việt… Đặc biệt, cái tên Gérard được nhiều người nhớ hơn qua việc anh tham gia mua bức tranh Chiều tà của Vua Hàm Nghi bán đấu giá tại Pháp ngày 24-11-2010, với mục đích “châu về hợp phố” (trong khi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô ở Thừa Thiên - Huế đã bỏ mất cơ hội). Anh cũng là chủ sở hữu của gần 500 âm bản tác phẩm Bùi Xuân Phái chưa từng được công bố, và được gọi "Người gác đền Bùi Xuân Phái tại Marseille". 

Thời gian đầu đến Pháp, Gérard có khoảng 40.000 tài liệu bưu hoa về Việt Nam qua các thời kỳ. Trong đó, đã xuất bản tập sách 46 trang, khổ lớn, có tựa đề Vietnam Essai d’ Étude de la Taxe Anticapitaliste ou Frais Terminaux (Thuế chống tư bản), được in bởi Colfra (Câu lạc bộ khảo cứu về bưu hoa (Philately/Tem) năm 1998.

Tập sách chia thành các thời kỳ như "Avril 1983 à Aout 1985, Début Septembre 1986 à fin Septembre 1986...". Một ngày kia, Gérard nhận ra, để đi tới con đường tận cùng của bộ môn sưu tập tem, không thể không chú ý đến các tác phẩm mỹ thuật đang bị lẩn khuất dưới lớp bụi thời gian. Hơn thế nữa, đất nước Việt Nam qua những biến động lịch sử đã làm thị trường tranh càng thêm nhiễu nhương, lẫn lộn tranh thật, tranh giả. Do đó, bộ môn này với anh, trở nên chuyên đề khó và trở thành hấp dẫn hơn. 

Một trong những kỷ niệm ấn tượng nhất trong việc mua tranh sưu tập của Gérard, là lần anh quyết định mua những bức tranh cũ, bị bỏ quên của Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu qua những tấm ảnh chụp từ điện thoại. Khi bung hình lớn lên, Gérard vô cùng thất vọng, bởi những vết loang lổ trên tranh. Khi về nước, được tiếp cận tác phẩm, anh mới thấu hiểu giá trị của nó và nhận ra mình đã tìm được “nhựa vàng” dưới lớp bụi thời gian.

Tuy nhiên, trước khi về nước, một lá thư từ Marseille, Gérard gửi cho tôi vừa làm quen vừa có cơ hội hợp tác lâu dài, ghi rõ: “Bạn nên giữ bao thơ này và đừng xé nhé, vì trên bao thơ là tranh Lê Thị Lựu (tranh bị bỏ quên trong kho trường Mỹ thuật Gia Định Gérard đã mua được) được in trên tem cá nhân. Một ngày nào đó, thơ liên lạc + bao thơ giữa chúng ta sẽ có rất nhiều giá trị (ít nhất là tinh thần)…”. Thật vậy, nhìn kỹ chiếc bì thư của Gérard, chúng tôi nhận thấy, đây là bì thư khá độc đáo, cách trình bày và màu sắc gần giống tấm bưu thiếp. 

Qua các buổi liên lạc thường xuyên với Gérard, chúng tôi được anh cung cấp thêm thông tin: “Đây là bao thơ với tem chuyên đề mỹ thuật Việt Nam, có tên gọi “Montimbreamoi”, một dịch vụ in tem theo sở thích và thị hiếu cá nhân bên Pháp. Thông thường người dân dùng kênh này để ghi lại những kỷ niệm, dấu ấn quan trọng trong đời. Có lẽ vì thế Montimbreamoi chưa hẳn là đỉnh cao của nghệ thuật tem. Quyền in tem được bình đẳng cho tất cả công dân. Tuy nhiên, vẫn có những quy luật riêng, chẳng hạn bưu điện Pháp sẽ không in hình của bất cứ danh nhân nào khi ông ta vẫn còn sống để tránh việc tự tôn. 

Gérard nói thêm: “Khi tôi muốn in tác phẩm của các danh họa không được sự đồng ý của gia đình họ, cũng sẽ bị từ chối vì bị xem là lạm dụng bản quyền. Điển hình, như trường hợp tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái, nếu anh Bùi Xuân Phương thiếu tin cậy,  không cho giấy phép tôi được in, dù tình yêu tôi dành cho tranh bác Phái đến đâu nữa, chưa chắc tem Bùi Xuân Phái đã ra đời và đi một vòng thế giới để đến tay các bạn hoặc xuất hiện trên Facebook”. Một điều cũng đáng lưu ý, chúng ta dễ nhận ra nếu Gérard không phải cùng lúc là nhà sưu tập tem và tranh, để “kết hôn” hai sở thích, không chắc nhiều tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đã lên tem, “để  rồi những cánh chim đó sẽ bay bốn phương trời, quảng bá một cách vô vụ lợi, khi tranh Việt vẫn chưa có “cửa” bước vào sân chơi thị trường quốc tế cạnh tranh và đầy khắc nghiệt” - Gérard nói vui. 

Mới nhất, Gérard Chapuis vừa hoàn thành tập sách tài liệu về Vua Hàm Nghi và hoạt động nghệ thuật. Đây là đề tài anh tâm đắc, đeo đuổi suốt nhiều chục năm qua. Theo kế hoạch tác phẩm đã có thể ấn hành tại Việt Nam vào mùa xuân này. Tuy nhiên, do tình hình đại dịch Covid diễn ra toàn thế giới, công trình này cần dời lại một thời gian thuận lợi. Bởi Gérard cần phải về nước (trong khi anh đang là vai trò bác sĩ, trực tiếp chiến đấu với dịch bệnh tại Marseille) để xác minh lại vài chi tiết cần thiết trước khi ấn hành.

Tin cùng chuyên mục