1. Một khảo sát mới đây của mạng lưới tiếp thị toàn cầu McCann Worldgroup (Mỹ), với chủ đề “The Truth About Gen Z” (tạm dịch “Sự thật về gen Z”) cho biết, có đến 76% bạn trẻ gen Z chia sẻ họ gặp khó khăn trong việc kết nối cảm xúc với người xung quanh.
Một khảo sát quốc tế và với giới trẻ Việt Nam cũng không nằm ngoài suy nghĩ này. Điện thoại liên tục báo tin nhắn và những cuộc gọi nhóm, “chuyên nghiệp” đến mức nghe âm thanh chuông báo tin nhắn cũng biết nhóm trò chuyện bên nền tảng mạng xã hội nào đang nhắn tới, Phan Thị Ngọc Liên (19 tuổi, ngụ quận 7) chia sẻ: “Giờ này, tiếng chuông đó là biết tin nhắn từ nhóm trò chuyện bên Zalo của đám bạn lớp đại học. Cả lớp thông báo lịch học, tín chỉ rồi thôi, lớp tôi gần như chưa bao giờ đi ăn hay đi chơi chung, học hết năm nhất mà tôi cũng không nhớ hết bạn cùng lớp với mình”.
Có thể nhắn tin, gọi video, bình luận qua lại hàng giờ, nhưng không ít bạn trẻ gen Z lại khó khăn trong việc kết nối thực tế với bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cả người thân. Không kể đến thời điểm giãn cách xã hội kéo dài vì dịch bệnh, cuộc sống thường ngày của Minh Thư (22 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cũng chỉ từ công ty về phòng trọ. “Tôi biết là mình ở độ tuổi năng động và sôi nổi nhất, nhưng thực tế lại rất khác, ngoài công việc ra, tôi rất ít bạn bè, bạn thân của tôi thì ở quê. Xong việc về nhà, tôi vẫn nhắn tin, gọi video với đồng nghiệp bình thường nhưng rủ nhau cà phê hay ăn uống thì tôi từ chối vì cũng không biết nói gì và thấy không quen”.
2. Tiện ích và mở ra những kết nối “không biên giới” của mạng xã hội là điều thuận lợi, nhưng cũng từ đây, không ít bạn trẻ gen Z “buộc mình” trong màn hình trực tuyến nhiều hơn. Không khó để bắt gặp hình ảnh người trẻ ngồi hàng giờ trong quán cà phê nhưng mắt “dán” vào màn hình máy tính hoặc kè kè chiếc điện thoại và pin dự phòng chứ chẳng thiết tha gì việc “face to face” (trò chuyện trực tiếp với nhau).
Chuyển sang điện thoại chỉ còn tính năng nghe - gọi - nhắn tin để tách mình khỏi các nền tảng mạng xã hội hơn 3 tháng nay, Vũ Thị Ngọc Hiền (22 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) kể: “Nhắn tin với khách hàng, cấp trên hay chia sẻ bài viết, hình ảnh lên mạng, tôi làm rất nhanh; nhưng không hiểu sao khi bỏ điện thoại xuống để trò chuyện trực tiếp lại lúng túng, vụng về, điện thoại mà hết pin thì coi như mất hết kết nối. Mỗi khi gặp khó khăn hay chuyện buồn, tôi lại ôm điện thoại, lướt mạng và ở trong phòng một mình, muốn chia sẻ với người thân trong nhà hay bạn bè nhiều lắm nhưng lại ngại và không biết phải làm thế nào. Sau nhiều lần gia đình và đồng nghiệp khuyên nhủ, tôi đã tập bỏ dần mạng xã hội trong 3 tháng. Bây giờ, tôi đã sử dụng lại bình thường nhưng không lạm dụng như trước, cân bằng giữa kết nối làm việc từ xa và ưu tiên trao đổi trực tiếp”.
Gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực nhân sự, chị Trần Hoài Ngọc Hà (43 tuổi) cho biết: “Đúng là thế hệ bạn trẻ bây giờ rất khác, gần 3 năm nay quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới trong công ty tôi cũng có nhiều thay đổi để phù hợp. Có bạn trẻ trao đổi qua email hay điện thoại rất nhanh nhẹn, nhưng phỏng vấn trực tiếp thì các bạn rất lúng túng; bạn khác làm việc trực tuyến rất tốt nhưng trao đổi trực tiếp với khách hàng thì không thành công… Và rất nhiều bạn sau thử việc thì xin nghỉ, mặc dù năng lực chuyên môn tốt nhưng lại ít giao tiếp và rất khó làm việc nhóm với các anh chị lớn hơn trong công ty”.
3. Hơn một năm tham gia công việc tư vấn qua điện thoại về sức khỏe tâm lý giới trẻ, ThS tâm lý Đặng Thu Hiền cho biết: “Tôi tiếp nhận khá nhiều cuộc điện thoại của các bạn chưa đầy 20 tuổi, phần lớn loay hoay không biết làm thế nào để kết nối và giao tiếp với mọi người xung quanh khi đi thực tập, đi làm. Khoảng cách tuổi tác dẫn đến những khác biệt về suy nghĩ giữa các thành viên trong một công ty là điều không thể tránh khỏi, nhưng người trẻ gen Z khó khăn khi giao tiếp thì vấn đề chính là ở các bạn trước, chứ không phải lỗi của những người xung quanh”.
Có lẽ, người trẻ thế hệ gen Z thừa hưởng thành quả của sự phát triển khoa học, công nghệ và mức sống ngày càng cao khiến chuyện thành công như một áp lực vô hình. Họ ngại giao tiếp, ngại chia sẻ và kết nối thực tế. Áp lực thế hệ là câu chuyện đương nhiên và không thể tránh khỏi, nhưng “buộc mình” với cô đơn hay bước ra bên ngoài để kết nối thực tế là lựa chọn và bản lĩnh của gen Z trước ngưỡng cửa vào đời.