Đánh đồng sự khác biệt
Công ty H. vừa đăng đàn cảnh báo trực diện trên fanpage chính chủ với nội dung “Cẩn trọng với nhân viên khi cho nghỉ việc, đặc biệt những bạn còn ít kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống”. Đó là câu chuyện về 2 thành viên gen Z vừa kết thúc công việc bán thời gian trong tình huống… cơm không lành. Cụ thể, đơn vị cho biết, do không đáp ứng về hiệu quả công việc cũng như phong cách làm việc nên họ đã chấm dứt hợp đồng với 2 bạn sinh viên này. Sự việc trở nên căng thẳng khi 2 gen Z không muốn bàn giao công việc và quay lại phá hệ thống dữ liệu của công ty… Hai bạn cũng đăng đàn giải thích: “Chưa thể chốt hạ ai đúng - sai”. Câu chuyện nhanh chóng nhận được sự đồng tình, nhưng lần này số đông đã không đứng về phía những người trẻ.
Nhiều người, nhiều ý kiến, song mẫu số chung là: Phần lớn bạn trẻ đang yếu tính kỷ luật và văn hóa ứng xử nơi công sở; thường quên những câu cảm ơn, xin lỗi khi cần thiết; thậm chí nghĩ rằng ở môi trường làm việc mọi người phải có trách nhiệm giúp đỡ mình… Hàng loạt câu chuyện được bóc tách. Đó là những “phốt” mà người khác mong những người trong cuộc nhận ra, khắc phục để hoàn thiện bản thân.
Anh Hoàng Đăng, quản lý dự án của Công ty Kịch bản Việt, chia sẻ: Công ty thường tiếp nhận các bạn trẻ thực tập. Tuy không phải tất cả, nhưng tôi nhận ra rằng lứa tuổi này thiếu những kỹ năng cơ bản để vào đời, đi làm, tự lập. Môi trường công việc đòi hỏi cao nhất là tính trách nhiệm, kỷ luật; kế đến là thích nghi với môi trường tập thể, biết kính trên nhường dưới và tôn trọng nguyên tắc chung, mục tiêu chung, deadline (thời hạn) chung... Có vẻ người trẻ “chậm lớn” đối với tính trách nhiệm, nhưng lại dư thừa sự đòi hỏi ở chiều ngược lại. “Thầy hướng dẫn sinh viên thực tập là bạn tôi nên có gửi gắm khi nào thấy sai cứ la. Nhưng có lần tôi nhắc nhở và “được” cho lên Facebook với hàm ý là không tôn trọng sự khác biệt của người khác”, anh Đăng kể.
Vì nhiều lý do, một số bạn trẻ khi nghỉ việc đã gây hại cho chính nơi mình từng háo hức xin vào làm. Có bạn xóa dữ liệu, viết bài “tố” công ty - đồng nghiệp - người hướng dẫn, tiết lộ thông tin nhạy cảm cho công ty đối thủ như giá cả, đối tác… Các bạn cảm thấy hỉ hả, như vừa đòi được công bằng, thậm chí tự xem mình là “người hùng”, nhưng không lường hậu quả cả đạo đức lẫn pháp lý và quan trọng hơn, khiến cho góc nhìn của xã hội về gen Z kém thiện cảm
Ông NGUYỄN MINH TRIẾT, Giám đốc Công ty Truyền thông Minh Pro
Sự khác biệt và bản sắc riêng là thứ luôn được khuyến khích để phát triển, nhưng có lẽ nhiều người ngộ nhận và dần đánh đồng khái niệm tôn trọng sự khác biệt với thiếu hòa nhập. Không ai, kể cả sếp, có thể ép người khác phải hòa tan, nhưng chí ít phải dung hòa giữa cái riêng trong cái chung để không chỏi nhau và gây khó chịu cho tập thể.
Trang bị kỹ năng mềm
ThS Hoàng Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường ĐH Công Thương TPHCM, thẳng thắn: “Là đơn vị đào tạo sinh viên, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận ý kiến phản hồi của đơn vị sử dụng lao động và tìm hiểu câu chuyện. Ngày nay, xuất phát từ sự hạn chế về các kỹ năng mềm, dẫn đến nhiều bạn trẻ lúng túng trong các tình huống, đôi khi gây ra hậu quả đáng tiếc. Các trường đại học đều tăng cường trang bị các kỹ năng mềm cho sinh viên trước khi cho các em “ra đời”. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp, doanh nghiệp hài lòng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số sinh viên chưa chuẩn bị hành trang cho mình”.
Theo ThS Hoàng Thị Thoa, có kỹ năng mềm tốt là chìa khóa để các bạn trẻ thành công, nhất là điều khiển được cảm xúc cá nhân và tạo thiện cảm với mọi người xung quanh. Người trẻ đi làm thường chưa có kinh nghiệm nên vốn sống hạn hẹp. Nhưng các bạn có thể biến điều bất lợi thành có lợi: không ngại khó khăn, cầu tiến, nhiệt tình, hòa đồng và lễ phép... Chẳng ai ghét hay ganh tỵ với người trẻ, bởi ai cũng từng trải qua thời tuổi trẻ bỡ ngỡ. Nếu bạn đủ giỏi, chỉ cần là không tệ thì người lớn sẽ đối xử chân thành với bạn như đàn em, người thân để hướng dẫn, giúp đỡ bạn khởi đầu sự nghiệp.