Lý giải thêm, ông Nguyễn Bích Lâm nói, năm 2020 là năm trong chu kỳ suy thoái kinh tế chung của thế giới (thông thường là 10 năm). “Việt Nam cũng không thể tránh khỏi xu hướng này. Qua 3 thập niên, GDP quý 1 của các năm đầu chu kỳ suy giảm đều giảm. Mặc dù vậy, GDP quý 1 năm nay giảm ít hơn quý 1 của các năm này trước đó”, người đứng đầu cơ quan thống kê quốc gia thông tin.
Đáng lưu ý là trong quý 1-2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong quý 1, cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 ngàn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 243,7 ngàn lao động.
Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng 4,4% về số lượng, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân của 1 doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1-2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 552,4 ngàn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9,1 ngàn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý 1-2020 là 903,8 ngàn tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình.
Về đời sống người dân tháng 3, Tổng cục Thống kê đánh giá đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và do tác động của đầu kỳ giáp hạt. Trong tháng 3, cả nước có hơn 8,6 ngàn hộ thiếu đói, tương ứng với 36,3 ngàn nhân khẩu thiếu đói, gấp 9 lần số hộ thiếu đói, gấp 11 lần số nhân khẩu thiếu đói so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước thì gấp 5 lần về số hộ và số nhân khẩu thiếu đói. Từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ khó khăn 243,3 tấn gạo. Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 3 tháng đầu năm là hơn 4,8 ngàn tỷ đồng, hơn 17,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về diễn biến giá cả trên thị trường 3 tháng đầu năm nay, đặc biệt là về giá thịt heo, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp Tổng cục Thống kê, cho biết, hiện chỉ còn 1% số xã hết dịch chưa quá 30 ngày, nếu đến cuối tháng này không có dịch phát sinh mới thì có thể coi là chấm dứt dịch tả heo châu Phi ở Việt Nam. Đó là thời điểm bắt đầu tái đàn tốt và sản lượng cả năm của cả ngành chăn nuôi có thể tăng 10%, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu, CPI tháng 3-2020 giảm 0,72% so với tháng trước. Trong mức giảm 0,72% của CPI tháng 3-2020 so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất. Tuy nhiên, chỉ số giá của nhóm thực phẩm tăng mạnh, trong đó thịt heo tăng rất mạnh.
Đến cuối tháng 4-2020, toàn bộ doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam có thể phải ngừng hoạt động vì ảnh hưởng của Covid-19. Ước tính khoảng 1,2 triệu lao động sẽ bị ảnh hưởng. Đây là nội dung trong báo cáo vừa được hiệp hội này gửi đến Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Hiệp hội kiến nghị áp dụng chính sách hỗ trợ đối với lao động thất nghiệp trên tinh thần nhà nước - doanh nghiệp - người lao động cùng chia sẻ; chậm thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và bỏ các khoản phạt chậm đóng bảo hiểm trước đó. Đề nghị cho phép doanh nghiệp giữ lại toàn bộ khoản phí công đoàn 2% để sử dụng trong việc hỗ trợ thu nhập và trả các chi phí liên quan đến tác động của dịch bệnh cho người lao động. Miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế lợi tức, thuế VAT của năm 2020; miễn trả lãi (0%) các khoản vay ngân hàng trong năm 2020; giãn thời hạn trả nợ các khoản vay trước năm 2020 cũng là những kiến nghị quan trọng khác từ hiệp hội.