Tuy nhiên, vì bé còn nhỏ, không thể nằm yên trong suốt quá trình chụp, buộc phải gây mê cho bé để đảm bảo quá trình chụp MRI được suôn sẻ.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cung cấp nhiều thông tin chẩn đoán cho hầu hết các loại bệnh lý, giúp điều trị đạt hiệu quả cao. MRI ngày càng được ưa chuộng do không nhiễm tia xạ và chất lượng hình ảnh ngày càng cải thiện cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, khi chụp MRI, người bệnh cần phải nằm yên trong lồng chụp trong khoảng thời gian khá dài, có thể từ 20 đến 60 phút.
Do đó, những trường hợp người bệnh mắc hội chứng sợ lồng kín, người bệnh không thể nằm yên, đa số bệnh nhi, điển hình là trường hợp của bé H. không thể chụp MRI và cần có sự hỗ trợ của gây mê. Mặt khác, các thiết bị y tế sử dụng trong phòng chụp MRI không phải là loại thông thường, mà bắt buộc phải là loại tương thích với môi trường MRI, nên những trường hợp bệnh nặng, đang phải sử dụng các phương tiện hồi sức cấp cứu cũng không thể chụp và việc theo dõi người bệnh đang chụp cũng gặp nhiều khó khăn.
BS CKII. Đỗ Thị Ngọc Hiếu – Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “BV là một trong những đơn vị đầu tiên ở phía Nam trang bị tại phòng chụp MRI hệ thống gây mê giúp thở và Monitor theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, điện tim và tình trạng oxy máu,… của người bệnh khi gây mê, tương thích với môi trường MRI.
Từ đó có thể gây mê cho những trường hợp nặng, cần giúp thở, đồng thời việc theo dõi người bệnh đang được gây mê trong lồng chụp MRI tốt hơn, bảo đảm sự an toàn cho người bệnh trong quá trình gây mê. Nhờ vậy, những khó khăn khi chụp MRI đã được giải quyết, phục vụ thêm nhiều đối tượng, đáp ứng nhu cầu chụp MRI chẩn đoán ngày càng cao.”