Do đun nấu hàng ngày, chúng tôi thường xuyên phải tiếp xúc hơi gas và thấy có mùi khó chịu. Loại khí đốt này có gây tác hại gì nhiều đến sức khỏe?
Nguyễn Thị Sông Hương -
(đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM).
Theo các công ty kinh doanh gas, bản thân LPG (gas) là chất không màu, không mùi. Tuy nhiên, do gas là chất dễ cháy, nên để kịp thời phát hiện cháy nổ hoặc rò rỉ khí gas, các nhà sản xuất đã trộn thêm vào chất tạo mùi Mtyl-mercaptane, hay còn gọi là mùi trứng thối.
- Ảnh hưởng đối với hệ hô hấp: Ở nồng độ thấp dưới 0,1% khí gas không phải là chất độc hại. Ở nồng độ dưới 1% khí gas không gây ra những triệu chứng đặc biệt nào. Vì vậy, nồng độ gas thích hợp để bạn tiếp xúc lâu dài là 0,25%. Nếu nồng độ khí gas trên 1% có thể gây ra choáng nhẹ sau vài phút, nhưng không gây kích thích rõ rệt lên mũi và họng. Tuy nhiên, gas là chất gây ngạt. Nếu nồng độ gas quá cao có thể chiếm chỗ của oxy trong không khí và gây ngạt. Các triệu chứng thiếu khí ô xy biểu hiện như sau: thở gấp, cảm giác mệt mỏi bất thường, rối loạn cảm xúc, nôn ói và mất khả năng tự chủ, co giật và suy hô hấp, có thể dẫn đến tử vong.
- Các ảnh hưởng của gas lên da: Gas ở dạng khí không có ảnh hưởng lên da. Tuy nhiên gas ở dạng lỏng phun ra có thể gây hiện tượng bỏng lạnh. Nếu bỏng nhẹ có thể gây tê cóng, đau nhói như kim châm và ngứa ở vùng da bị bỏng. Nếu bỏng nặng có cảm giác cháy rát, da bợt trắng hoặc có màu vàng. Vùng da bị bỏng phồng rộp và có thể bị hoại tử.
- Các ảnh hưởng của gas lên mắt: Ở dạng khí, gas không gây cay mắt. Tuy nhiên ở dạng lỏng, gas bắn vào mắt có thể gây đóng băng tại mắt và gây mù.