Dự kiến sớm nhất tuần sau có thể hoạt động trở lại, cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Theo TS Nguyễn Xuân Cảnh, tại TPHCM có 3 cơ sở y tế được trang bị hệ thống máy chụp PET/CT là BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy và BV Quân y 175, nhưng cả khu vực phía Nam chỉ có một “lò” sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG (gọi tắt thuốc phóng xạ) đặt tại BV Chợ Rẫy.
Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay “lò” sản xuất thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã ngừng hoạt động vì trục trặc kỹ thuật. Lý giải về nguyên nhân hư hỏng, TS Nguyễn Xuân Cảnh cho rằng, hệ thống đã đưa vào hoạt động hơn 10 năm, máy móc đã đến tuổi và cũng đã nhiều lần hư hỏng.
Tuy nhiên lần này là hư hỏng lâu nhất, hiện bên phía hãng cũng đã tích cực sửa chữa. Đơn vị đã thông báo đến nhà sản xuất và đang đợi thiết bị thay thế chuyển về từ Mỹ. Ngay cả máy PET/CT của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng bị hỏng đầu dò tín hiệu thiết bị ghi hình PET và cũng đang chờ thiết bị thay thế.
Theo kỹ sư Nguyễn Tấn Châu, Trưởng đơn vị an toàn bức xạ, cho biết máy gia tốc Cyclotron (sản xuất thuốc phóng xạ) có chức năng chính là gia tốc hạt proton bắn phá vào đồng vị bền. Sau phản ứng hạt nhân thu được đồng vị phóng xạ 18F - FDG.
Từ đây tổng hợp thành thuốc phóng xạ 18F- FDG dùng tiêm cho bệnh nhân trước khi ghi hình chụp PET/CT. Tuy nhiên hiện nay hệ thống bia tạo ra đồng vị 18F - FDG bị lỗi kỹ thuật và buộc phải chờ phản hồi từ nhà sản xuất ở Mỹ. Chính vì thế, không thể sản xuất ra thuốc phóng xạ nên việc chụp PET/CT bị tạm ngưng.
Theo TS Nguyễn Xuân Cảnh, hệ thống máy chụp PET/CT đã và đang được sử dụng rộng rãi tại các BV ở Việt Nam, có nhiều lợi điểm trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Để chụp PET/CT, bệnh nhân sẽ được tiêm tĩnh mạch một liều thuốc có phóng xạ (một chất tương tự glucose) vì các tế bào ung thư sẽ hấp thụ và chuyển hóa nhiều glucose hơn các tế bào khác.
Sau khi được tiêm thuốc có phóng xạ, cơ thể sẽ phóng ra các tia gamma và máy PET/CT sẽ tính toán từ các tia gamma này để thu nhập hình ảnh từ các tế bào khác nhau của cơ thể.
Nhờ đó, những bất thường về chuyển hóa tại các tế bào sẽ được ghi nhận, ngay trước khi có sự thay đổi về cấu trúc. TS Nguyễn Xuân Cảnh cho rằng, muốn chụp PET/CT cho bệnh nhân trơn tru tối thiểu phải có 2 lò, đề phòng trường hợp lò sản xuất nào đó bị hư thì có lò khác dự phòng. Có như vậy mới cung ứng đủ thuốc phóng xạ cũng như tránh được trường hợp hỏng hóc bị ngưng trệ như hiện nay.
Theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, không phải mọi trường hợp muốn chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư đều cần phải chụp PET/CT.
Các xét nghiệm sàng lọc ung thư phải tuân thủ theo đúng các yêu cầu như độ chính xác, đảm bảo độ nhạy (khả năng phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư trên những người thực sự có bệnh ung thư) và độ đặc hiệu (khả năng loại trừ dấu hiệu sớm của ung thư trên những người thực sự bình thường).
Trên thực tế cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào liên quan đến sử dụng PET/CT trong sàng lọc ung thư của các cơ quan, tổ chức, cơ sở có uy tín trên thế giới về khám, chữa, nghiên cứu phòng chống ung thư.