Sở Công thương TP đề nghị, chậm nhất trong tháng 12 chợ đầu mối Thủ Đức cần nhanh chóng hoàn thiện phương án, các tiêu chí theo quy định để tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn, linh hoạt nhằm góp phần gia tăng nguồn cung dịp cuối năm, đặc biệt phục vụ tốt hàng hóa Tết Nguyên đán 2022.
Chiều 8-12, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với Công ty Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức để nghe báo cáo về kế hoạch tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Sở Công thương TP đề nghị, chậm nhất trong tháng 12 chợ đầu mối Thủ Đức cần nhanh chóng đề ra các giải pháp cụ thể và hoàn thiện phương án, các tiêu chí theo quy định và đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các bước phòng, chống dịch để tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn, linh hoạt nhằm góp phần gia tăng nguồn cung dịp cuối năm, đặc biệt phục vụ tốt hàng hóa Tết Nguyên đán 2022.
Từ ngày 11-7, chợ đầu mối Thủ Đức ngưng mua bán tại chỗ, chỉ hoạt động điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa cho đến nay Trước đó, Sở Công thương TP đã có văn bản gửi UBND TPHCM về công tác tổ chức hoạt động trở lại chợ đầu mối Thủ Đức và tình trạng kinh doanh chợ tự phát nông sản, thực phẩm khu vực xung quanh chợ.
Theo đó, Sở Công thương TP đánh giá, thời gian qua, chợ đầu mối Thủ Đức đã phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa để bổ sung nguồn hàng hóa cung ứng cho TP, đảm bảo lưu thông thông suốt đến người tiêu dùng trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Hiện nay, tình hình dịch trên địa bàn cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan. Đáng chú ý, tại chợ đầu mối Thủ Đức hàng đêm đang có hàng trăm tấn hàng hóa (chiếm 50%-70% sản lượng hàng hóa nông sản thực phẩm trên địa bàn) cùng người điều khiển phương tiện từ các khu vực miền Tây Nam bộ đổ về TP.
Trước thực tế phía trong chợ chỉ hoạt động điểm tập kết, trung chuyển, dẫn đến tình trạng thương doanh kinh doanh tự phát xung quanh chợ đầu mối Thủ Đức ngày một gia tăng. Qua công tác kiểm tra liên ngành cho thấy, các tuyến đường xung quanh chợ, (gồm khoảng 200 mét chiều đi QL1A từ ranh chợ đến đến vòng xoay cầu vượt Bình Phước, tuyến đường Ngô Chí Quốc, đường Xa lộ Hà Nội) đều xảy ra tình trạng buôn bán trái phép các mặt hàng nông sản thực phẩm. Số lượng người rất đông và không đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự lòng lề đường, vệ sinh môi trường và công tác phòng, chống dịch. Một số đoạn đường bị ùn tắc giao thông, gây mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lây lan dịch bệnh rất cao.
Đây là nguyên nhân khiến Ban Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức lo ngại tình trạng lây lan dịch Covid-19, do đó nhiều lần đề xuất xin kéo dài thời gian mở cửa trợ lại chợ khi đã có phương án khả thi; chỉ duy trì điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Mặt khác, chợ đâu mối Thủ Đức đặc thù có khu nhà lồng ẩm thấp, các lối vào ra chật hẹp, nên để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, hoạt động mở cửa trở lại bình thường cần có một phương án khả thi nhất.
Đến nay, ngoài chợ đầu mối Thủ Đức, chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Hóc Môn đã hoạt động trở lại bình thường với 70%-80% công suất. Chợ truyền thống cũng đã được mở cửa bình thường mới trở lại 189/234, nhưng công suất chỉ ở mức 30%-50% và 70%, tùy nơi nhằm từng bước thích ứng, linh hoạt, an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
LẠC PHONG