Việc ban hành Nghị quyết Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TPHCM là bước cụ thể hóa Kết luận số 21-KL/TW ngày 24-10-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, dựa trên cơ sở đề xuất của TPHCM.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với TPHCM, và các bộ, ngành liên quan dự thảo nội dung nghị quyết để trình Quốc hội thông qua ngay trong kỳ họp lần này. Dự thảo nghị quyết được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền TPHCM, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND TP. Thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch để thực hiện giám sát của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể. Cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TPHCM phải đặt trong mối quan hệ “thành phố vì cả nước và cả nước vì thành phố” phát triển ngày càng văn minh, hiện đại; đồng thời bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới. Bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và trật tự của hệ thống pháp luật, phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh, xã hội đang trong trạng thái cân bằng vận động, việc đưa ra cơ chế đột phá là hết sức quan trọng nhưng không được phép gây đảo lộn trong hệ thống.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi nhận được kết luận của Bộ Chính trị, và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã thành lập ban soạn thảo, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thực hiện xây dựng dự thảo nghị quyết lần 1 và đã gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM để tiếp tục hoàn chỉnh. Đến nay, Bộ Tài chính đã dự thảo lần 2 nghị quyết, sau cuộc họp này sẽ tiếp tục hoàn chỉnh để xin ý kiến chính thức của các bộ, ngành trung ương, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, sau đó trình Thủ tướng dự thảo lần cuối trước khi trình Quốc hội thông qua. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong dự thảo nghị quyết, lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách được thiết kế theo hướng giao cho HĐND TPHCM trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các loại thuế, chính sách thuế, phí thí điểm, các mức phí bảo vệ môi trường trên địa bàn, các mức thuế phí, lệ phí ngoài quy định cao hơn mức hiện hành, khung cho phép. Tinh thần chung các khoản tăng thêm sẽ để lại cho ngân sách TPHCM 100%. Thứ hai là mức vay của chính quyền địa phương: Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các địa phương được giữ lại 60% số thu cân đối, trong Nghị định 48 của Chính phủ đã đưa lên 70%, trong nghị quyết thí điểm lần này sẽ nâng lên 90%.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, kết luận của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ, việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM đặt trong tổng thể chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng trong khung khổ pháp luật, việc gì đã rõ thì cho làm ngay, việc gì chưa rõ, phức tạp thì cho làm thí điểm, sơ kết, tổng kết để nhân rộng.