Mức giải ngân vốn đầu tư công còn chậm
Mức giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài trong năm nay tính tới ngày 24-6 chỉ mới đạt 7.427 tỷ đồng (13,1% dự toán), hiện còn hơn 49.000 tỷ đồng đang chờ giải ngân. Kết quả giải ngân này là quá thấp. Từ nay đến hết năm, nếu không có giải pháp đột phá, sẽ rất khó giải ngân khoản tiền quá lớn chiếm 86,9% dự toán.
Chậm giải ngân có thể dẫn đến dự án không kịp hoàn thành, chưa đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch, càng tăng nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Kéo theo đó, hàng loạt các hệ lụy tác động đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Dự án càng lớn, chậm giải ngân đồng nghĩa tiến độ càng kéo dài, thiệt hại càng lớn. Nhất là doanh nghiệp đầu tư xây dựng thường phải ứng trước các khoản chi phí cho nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, nhân công…
Nhu cầu vốn phục vụ thi công là rất lớn, nguồn vốn tại các doanh nghiệp lại hạn chế, lắm khi phải đi vay từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng phục vụ thi công. Doanh nghiệp lúc này còn chịu cả lãi vay, với dự án có giá trị hàng ngàn tỷ đồng thì lãi vay là số tiền khá lớn. Chưa kể còn phải chịu thêm các khoản chi phí khác, kéo dài thời gian bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo hành công trình, lãng phí vì tạm ngưng công việc.
Ảnh hưởng môi trường đầu tư xây dựng, Chính phủ sẽ phải trả thêm các khoản chi phí cam kết cao hơn, càng đội vốn, tốn kém cho các công việc liên quan phát sinh chi phí trả cho chuyên gia nước ngoài và phục vụ công tác quản lý dự án tăng theo thời gian.
Hơn nữa, còn đối diện rủi ro pháp lý, khiếu nại, bị phạt vi phạm nguyên tắc cam kết trong hợp tác đầu tư và ký hợp đồng. Dự án thường phải trải qua nhiều khâu thực hiện, lắm khi chỉ vướng một vài thủ tục hay chậm phối hợp cũng có thể gây ách tắc theo phản ứng dây chuyền. Dù sản phẩm được làm ra có khối lượng thi công nhưng chậm xác nhận thì cũng chưa thể giải ngân theo quy định.
Điều chỉnh dự án, gia hạn hiệp định vay
Đáng chú ý, lắm khi lỗi của việc chậm giải ngân không phải do nhà đầu tư hay nhà thầu xây dựng. Nguồn vốn và các nguồn lực khác đã sẵn sàng, nhưng lại không triển khai được dự án là điều đáng tiếc.
Chủ một doanh nghiệp làm thầu phụ thi công tại một dự án lớn sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài cho hay, do các cơ quan liên quan chưa kịp thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, gia hạn hiệp định vay nên ông đang lo lắng nguy cơ không được gia hạn khoản vay cho dự án, đồng nghĩa không còn tiền giải ngân khối lượng đã làm, có thể sẽ tạm dừng các công việc nhưng vẫn phải trả lương cho công nhân và tiền thuê máy móc thiết bị.
Khi chậm trễ giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài, doanh nghiệp là nhà thầu thi công lại gánh chịu thiệt hại. Như tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, không điều chỉnh được hiệp định vay và thủ tục dự án chỉ vì chưa có sự phân công trách nhiệm cơ quan nào làm chủ quản, cấp quyết định đầu tư.
Cụ thể từ tháng 9-2018, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được chuyển từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, dù đã trải qua hơn 1,5 năm nhưng vẫn chưa xác định được cơ quan nào thực hiện vai trò quyết định đầu tư, nên chưa thể điều chỉnh dự án, gia hạn hiệp định vay, dẫn đến đình trệ các công việc liên quan.
Nên lập tổ công tác liên ngành rà soát tổng thể từng dự án, gói thầu sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, kịp tháo gỡ những trở ngại, làm cơ sở thực hiện các thủ tục sao cho đạt mục tiêu giải ngân và hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây còn là cách hỗ trợ doanh nghiệp là nhà thầu đã hoàn thành nghĩa vụ trong hợp đồng, thanh toán khối lượng đã thi công, hạn chế tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Trên cơ sở đó, xử lý các vướng mắc trong thực hiện để cơ quan, đơn vị liên quan hoàn tất ngay các thủ tục điều chỉnh dự án, gia hạn hiệp định vay. Cần chế tài, xử lý trách nhiệm tổ chức và cá nhân chậm giải quyết các trở ngại việc giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài. Gắn trách nhiệm người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia dự án. Cần soi xét vào khối lượng được thực hiện, tiến độ từng dự án, trông mặt trao tiền. Xem lại năng lực lập kế hoạch, không bố trí vốn cho những dự án có mục tiêu chưa rõ ràng.