Một trong những vấn đề nêu ra được nhiều người quan tâm là những biện pháp và kết quả của việc thực hiện khai thác cá có nguồn gốc hợp pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” mà Ủy ban châu Âu (EC) đang áp dụng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Trong khi đó, ngày 23-4 sắp tới sẽ là hạn chót để EC quyết định có rút “thẻ vàng” hay sẽ áp dụng "thẻ đỏ", đồng nghĩa với việc cấm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường lớn và tiềm năng này.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Thủy sản, cho biết, hiện nay Bộ NN-PTNT đang triển khai rất nhiều nội dung, giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà EC yêu cầu.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT đã có các văn bản gửi các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về việc phối hợp triển khai Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chủ trì cuộc họp báo cho rằng, cần xử phạt các tàu cá cố tình vi phạm tại các vùng biển nước ngoài. Hiện nay chúng ta đã có Luật Thủy sản, một mặt cần tăng cường vận động tuyên truyền nhưng cũng cho phép phạt bằng tiền, thậm chí thu hồi giấy phép của thuyền viên, cấm ra biển.
Bên cạnh đó, giải pháp đang được thực hiện quyết liệt là tăng cường hợp tác với các quốc gia - vùng biển mà các tàu cá hay vi phạm. Học tập kinh nghiệm về tháo gỡ của Thái Lan, Campuchia cũng đã từng bị áp dụng "thẻ vàng", có nước bị rút "thẻ đỏ". Mục tiêu đặt ra là đến tháng 4-2018 phải rút được “thẻ vàng” cho thủy sản.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu cơ quan chức năng trực thuộc cần thông báo kịp thời cho EC, gặp mặt trao đổi công khai, hợp tác trên tinh thần thẳng thắn, có trách nhiệm kể cả ngoại giao, cử đoàn công tác sang châu Âu làm việc trong tháng 3-2018 để khẩn trương tháo gỡ.