Gấp rút để thực hiện “3 tại chỗ”

Ngày 15-7, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM không đáp ứng tiêu chí phòng chống dịch Covid-19, cụ thể là không đáp ứng tiêu chuẩn “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” theo quy định, sẽ phải ngưng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp bách trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay để các DN vừa đảm bảo sức khỏe người lao động, vừa phòng dịch tốt hơn. Nhiều DN đang gấp rút tìm phương án bố trí công nhân ăn, ngủ và làm việc ngay tại nhà máy. 

Chủ động chuẩn bị 

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), cho biết, hơn 400 công nhân của công ty đã được bố trí ổn định chỗ ăn ở và làm việc tại nhà máy. Công ty đã tận dụng toàn bộ hệ thống cơ sở là khu văn phòng, khu nhà nghỉ cho chuyên gia, hệ thống tòa nhà điều hành để công nhân có chỗ ở an toàn, sạch sẽ và thuận lợi nhất. Hơn 400 công nhân của công ty được phân làm 2 khu nam và nữ để thuận lợi trong sinh hoạt, nhất là công nhân nữ. 

Cũng theo ông Dũng, việc áp dụng quy định “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” (nghĩa là chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân, có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân) do UBND TPHCM ban hành tuy có gấp rút (trước 24 giờ) nhưng DN không quá bị động. Bởi trước đó, Bộ Y tế đã có khuyến cáo thực hiện giải pháp trên cho các DN.

Gấp rút để thực hiện “3 tại chỗ” ảnh 1 Công nhân Công ty Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn được tổ chức ăn nghỉ tại nhà máy

Ngoài ra, tại Bắc Giang và Long An cũng đã triển khai. Do đó, việc áp dụng cho TPHCM chỉ là chuyện sớm muộn. Chính vì thế, DN đã chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất trước. Việc tuyên truyền vận động để công nhân hiểu và tham gia ủng hộ cũng đã được công ty thực hiện từ tháng 6-2021 nên công nhân tham gia rất nhiệt tình. Điều này rất quan trọng, nhất là khi sản phẩm của công ty là hàng hóa thiết yếu, không được gián đoạn chuỗi cung ứng ra thị trường. 

Chia sẻ vấn đề này, bà Lê Bích Loan, Phó ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, cho biết, tại khu công nghệ cao, công tác hướng dẫn DN thực hiện an toàn sản xuất, trong đó bố trí chỗ ăn ở tập trung cho công nhân được triển khai từ tháng 6. Một số DN có nội lực tài chính lớn đã chủ động ký kết với hệ thống khách sạn, khu nhà trọ để bố trí công nhân ở tập trung và thực hiện đưa đón công nhân. Ngay khi quy định thành phố đưa ra, đã có 75/85 DN đảm bảo tiêu chuẩn phòng dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh những DN chủ động ứng phó trên thì vẫn còn nhiều DN không thể đáp ứng điều kiện để thực hiện phòng dịch và buộc phải đóng cửa nhà máy. Nhiều nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho biết, hầu hết DN dệt may đều phải ngưng hoạt động. Nguyên nhân không phải là không chủ động được tình huống trên mà do lượng công nhân quá lớn, không thể đảm bảo điều kiện an toàn cũng như chi phí hỗ trợ. Hiện trung bình mỗi DN dệt may, da giày có từ 1.000 hay vài chục ngàn công nhân. Nếu phải bố trí chỗ ăn ở cho số lượng công nhân quá lớn như thế, rất khó. Hơn nữa, biên độ lợi nhuận của DN dệt may rất mỏng. Nếu phải đảm thêm những chi phí như ăn ở, xét nghiệm thì không thể đáp ứng được. 

Mong xã hội hóa xét nghiệm Covid-19 

Ghi nhận thực tế tình hình chuẩn bị của DN trước quy định mới về phòng chống dịch Covid-19, ông Phạm Thanh Trực, Phó ban Quản lý Khu chế xuất - công nghiệp TPHCM (Hepza), cho biết, bên cạnh nhiều DN chủ động chuyển đổi đáp ứng tiêu chuẩn “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”, vẫn còn nhiều DN lúng túng chưa thể thực hiện, phải đối mặt nguy cơ bị đóng cửa sản xuất.

Cũng phải nói thêm, từ tháng 6-2021, Hepza đã có thông báo, khuyến cáo phải chuẩn bị thực hiện cách ly sản xuất, đảm bảo phòng chống dịch nhưng nhiều DN thờ ơ. Hiện Hepza đang nỗ lực tiếp nhận hồ sơ đăng ký, hỗ trợ hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể giúp DN thực hiện “3 tại chỗ”. 

Ở góc độ khác, bà Lê Bích Loan cũng nhấn mạnh thêm, với các DN đáp ứng được tiêu chuẩn phòng chống dịch hiện nay cũng không phải đã hết khó khăn. Họ đã phải giảm công suất và tăng chi phí cho lao động. Ghi nhận chung các DN cho thấy, quy mô sản xuất đã giảm từ 50% -70%. Thậm chí có nhà máy phải giảm 90% công suất sản xuất do không đủ điều kiện cơ sở vật chất để bố trí ăn ở tại chỗ cho công nhân.

Đơn cử như Công ty TNHH Điện tử Samsung, giảm 50% công suất sản xuất, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam giảm khoảng 70% công suất sản xuất, Công ty TNHH Jabil Việt Nam đã phải giảm đến 90% công suất sản xuất… Các công ty có quy mô sản xuất càng lớn thì công suất sản xuất giảm càng lớn.

Thực hiện quy định “3 tại chỗ” sẽ dẫn đến chi phí tăng, tập trung chủ yếu là chi phí ăn ở, xét nghiệm Covid-19. Trước thực tế này, nhiều DN cho rằng, nếu đã bố trí công nhân ăn ở tập trung và giám sát được thì nên giãn biên độ xét nghiệm Covid-19, kết hợp xã hội hóa công tác xét nghiệm Covid-19 để giảm thời gian chờ đợi của công nhân, giúp DN duy trì sản xuất liên tục. Không dừng lại đó, nhiều DN kiến nghị thêm, các bộ ngành cần có chỉ đạo nhất quán nhằm chấm dứt tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa ở một số tỉnh thành.

“Quan trọng hơn, những giải pháp giảm thuế, giãn thuế, giảm lãi suất vay cho DN cần triển khai hiệu quả và thủ tục hành chính phải đơn giản, nhanh gọn hơn. Riêng về phía DN sẽ chủ động đàm phán với đối tác để lùi thời gian giao hàng, nhất là với đơn hàng xuất khẩu, tránh nguy cơ bồi thường hợp đồng”, ông Trương Tiến Dũng cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục