Thực tế, mặc dù khu vực tư nhân của Thái Lan đã đầu tư rất nhiều vào thiết bị và hệ thống kỹ thuật số, nhưng vẫn thiếu lao động kỹ thuật số có tay nghề cao. Để duy trì tăng trưởng, các công ty kỹ thuật số ở nước này đang phải sử dụng lao động từ quốc gia láng giềng là Việt Nam, hoặc hợp tác với các công ty Việt Nam, để bù đắp tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong nước. Do đó, Thái Lan cần gấp rút đầu tư vào nguồn nhân lực để hỗ trợ số hóa.
Tờ The Nation của Thái Lan cho biết, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Thái Lan (THECA) Kulthirath Pakawachkrilers nhấn mạnh, ngoài việc thúc đẩy giáo dục số cho giới trẻ, Thái Lan cũng phải hỗ trợ người cao tuổi học công nghệ số. Mặc dù người cao niên khó có thể trở thành những nhà phát triển tiên tiến, song họ vẫn có thể áp dụng công nghệ kỹ thuật số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hoặc cách thức hoạt động mới.
Dự báo dịch vụ kỹ thuật số sẽ là ngành phát triển nhanh nhất tại Thái Lan trong 3 năm tới, đạt 690 tỷ baht (18,2 tỷ USD) vào năm 2024. Trong đó, ngành công nghiệp phần mềm sẽ tăng trưởng khoảng 10% trong năm nay. Trong khi đó, phần lớn các công ty phần mềm Thái Lan vẫn là doanh nghiệp nhỏ với ít hơn 10 nhân viên và hơn 90% có doanh thu hàng năm dưới 10 triệu baht. Do vậy, quốc gia Đông Nam Á này cần có bước phát triển mạnh mẽ hơn nhằm đảm bảo theo kịp sự thay đổi đang diễn ra. Hiện DEPA cũng đang hợp tác với các tổ chức trên toàn quốc để giáo dục thế hệ tiếp theo về lập trình và mã hóa, mặc dù quá trình này sẽ mất thời gian và đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan về kỹ thuật số.
Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia lần thứ 13 của Thái Lan đề ra các mục tiêu chính bao gồm tăng thu nhập bình quân đầu người từ 270.000 baht/người/năm (7.200USD) lên mức 300.000 baht/người/năm (8.000USD) vào năm 2027. Một trong các mục tiêu khác là thu hẹp khoảng cách giữa tổng thu nhập của 10% dân số giàu nhất với 40% dân số nghèo nhất xuống dưới 5 lần vào năm 2027.
Theo giới quan sát, Thái Lan cần giữ lập trường trung lập liên quan đến các cuộc xung đột địa chính trị để có thể thu hút thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại nước này. Ngoài ra, cũng lưu ý thêm rằng, Thái Lan sẽ phải điều chỉnh quy trình sản xuất để tăng sản lượng nông sản và thích ứng với biến đổi khí hậu, vốn đang ảnh hưởng rõ rệt đến sản xuất thực phẩm toàn cầu, đồng thời tìm cách để trở nên tự chủ hơn về năng lượng vì đây là loại hàng hóa khó kiểm soát về giá cả.
Để có thể trở thành “quốc gia phát triển” vào năm 2037 như các dự thảo phát triển đang được đưa ra, Thái Lan cần phải nỗ lực hơn nữa để trở thành quốc gia kỹ thuật số, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và áp dụng các hệ thống robot rộng rãi hơn, trong bối cảnh khoảng 20% dân số Thái Lan sẽ đạt độ tuổi trên 60 vào năm tới.