* Ông PHAN HOÀNG VŨ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau:
Phát bồn nước, mở các điểm cấp nước tập trung
Đối với gần 500 hộ dân ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau) bị thiếu nước ngọt trầm trọng từ đầu mùa khô 2024 đến nay, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã kiểm tra, tìm hiểu thực tế và đang phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành cấp phát bồn nước, mở các điểm cấp nước tập trung tại đây. Để kịp thời “giải khát” cho người dân trong thời gian còn lại của mùa khô, tỉnh đã huy động đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang và người dân địa phương, gấp rút lắp đường ống nổi trên mặt đất và vòi nước công cộng. Thời gian hoàn thành các công trình dự kiến khoảng 20 ngày.
Đến thời điểm này, ngoài 450 hộ dân ở xã Biển Bạch, trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn khoảng 1.350 hộ dân bị thiếu và không chủ động được nguồn nước ngọt sinh hoạt, đang được địa phương thực hiện giải pháp hỗ trợ như trên. Cùng với đó, tỉnh cũng tiếp tục đầu tư dự án công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn với nguồn vốn đầu tư 180 tỷ đồng, cấp nước tập trung cho hơn 14.000 hộ dân. Ngoài ra, Cà Mau cũng đang kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước cho người dân bị ảnh hưởng, đầu tư bồn nhựa 10m3 đặt tại các điểm như: UBND xã, nhà văn hóa… vùng ven biển, hải đảo để cung cấp nước cho người dân khu vực chưa có công trình cấp nước tập trung.
* Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam:
Cần nghiên cứu một hệ thống cấp nước liên thông
ĐBSCL đang có nghịch lý là người dân sống giữa vùng sông nước nhưng lại thiếu nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt. Nghịch lý này do hạn, mặn và phèn gây ra. Hiện mặn lấn sâu nhưng không xác định là bao lâu, độ mặn thì khác nhau và ngày càng tăng lên. Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đã có và chia thành 3 vùng gồm bắc sông Tiền, vùng giữa và vùng Tây Nam sông Hậu. Ý tưởng xây dựng 5 nhà máy nước đã được Ngân hàng Thế giới (WB) sang nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu xây một nhà máy cho cả vùng lớn thì khó, do vậy cần xây dựng nhiều nhà máy để dễ tiếp cận nguồn nước và xử lý nước.
Ngoài ra, ĐBSCL không thể tiếp tục lấy nước ngầm để sử dụng vì sụt lún đất. Do vậy, phải tính toán nguồn nước mặt cho cả dân cư đô thị, công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất. Nên kết hợp nước cho sản xuất nông nghiệp với sinh hoạt. Cần nghiên cứu một hệ thống cấp nước liên thông (có thể nước thô, nước sạch) cho cả vùng Bắc sông Tiền và vùng giữa.
* Bà ĐẶNG THỊ HẠNH, Phó Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại NID (đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Xử lý và Cung cấp nước sạch Kênh Lấp, tỉnh Bến Tre):
Chưa có phương án thay thế khi nước trong hồ Kênh Lấp nhiễm mặn
Ngày 27-3, độ mặn trong lòng hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp là 0,7‰; phía rìa hồ Kênh Lấp, độ mặn hơn 1,2‰. Ở thượng nguồn sông Ba Lai, độ mặn hiện nay cũng khá cao. Điều này cho thấy nước mặn đã bao quanh hệ thống ngăn mặn của tỉnh, đơn vị vận hành cống không thể làm gì khác ngoài việc chờ độ mặn giảm lại. Khi nước phía ngoài cống đã ngọt hóa mới có thể mở cống rửa mặn, dẫn nước ngọt từ sông Ba Lai vào trữ lại, để sử dụng. Tuy nhiên, với tình hình nắng nóng gay gắt và kéo dài như hiện nay, nước bốc hơi nhiều, độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao.
Hiện không có nguồn nước ngọt thay thế, chúng tôi vẫn phải lấy nguồn nước bị nhiễm mặn 0,7‰ ở hồ Kênh Lấp xử lý. Nước qua xử lý sẽ sạch theo tiêu chuẩn, nhưng độ mặn thì vẫn nguyên gốc, không thể lọc mặn. Người dân chỉ có thể sử dụng tạm nguồn nước này để tắm giặt, còn nấu ăn phải mua nước bình, không còn phương án khác, vì nguồn nước ngọt thô thay thế không có. Với chất lượng nước như vậy, nếu UBND tỉnh có chủ trương trợ giá cho người mua sử dụng, công ty sẽ chấp hành.