Bất chợt gặp ông trong tiệm đi ra. Dáng gầy, lưng đã thấp cùng chiếc xe máy lọc xọc, nhưng nét tài tử, chỉn chu ngày nào vẫn còn đó: Tóc tém, áo bỏ trong quần…
Ở cùng thành phố nhưng hiếm khi gặp ông. Ông không hay “tụ tập” lai rai cũng ít khi dự hội họp. Và vẫn một mình trong căn nhà cấp 4 trên đường Tầm Vu. Tự đi chợ, tự nấu ăn, giặt giũ…
Ông là NSƯT Trần Phương (Nguyễn Bá Thế). Giọng đọc “một thời khói lửa nhất”, ấn tượng nhất trên sóng phát thanh của Đài TNVN. Đó là giai đoạn cả nước bước vào cuộc đấu tranh chống Mỹ, suốt từ năm 1955 đến ngày toàn thắng 30-4-1975.
“84 tuổi rồi, già rồi ông ơi”. Bên ly cà phê ông nhớ lại. Trong nhóm tập kết về Đài TNVN, “lên sóng giọng Nam bộ” tôi nhớ đâu khoảng 7 người. Đó là tôi, Minh Đạo, Lan Hương, Kim Ngôn, Kim Hoa, Kim Túy, Kiều Oanh. Cùng thời, đọc “giọng Bắc” là các anh, chị: Việt Hà, Tuyết Mai, Nguyễn Thơ, Việt Hoa, Hoàng Yến, Kim Cúc, Minh Khuê, Kiên Cường…
NSƯT Trần Phương ở tuổi 84
Cái giọng ấm áp, trầm hùng với âm vực rộng, khoáng đạt của người con trai gốc Long Xuyên này đã theo cánh sóng đến với hàng triệu người Việt Nam những sự kiện lớn của đất nước.
Đó là những đêm trực chiến suốt Tết Mậu Thân 1968; thông báo số 2 về sức khỏe Bác Hồ và những ngày tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969); ký kết Hiệp định Paris 1973…
“Trời cho thanh quản tốt là một chuyện. Muốn truyền cảm phải khổ luyện “tích hơi, luyện thở”, phải quyện cả vốn sống và tình cảm của mình vào từng con chữ, từng dấu chấm phẩy…”, ông nói vậy.
Nhưng kỷ niệm khó quên nhất, xúc động đến nghẹn ngào là buổi đọc bài bình luận chiến thắng với thời lượng khoảng 7 phút rưỡi, chiều 30-4-1975.
Đã 43 năm trôi qua rồi ông vẫn đọc vanh vách cái tựa bài Cả nước ôm hôn thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng của tác giả Cao Nham, Báo Quân đội Nhân dân hôm đó.
“Hai phát thanh viên Nguyễn Thơ, Tuyết Mai đọc bản tin thời sự khẳng định, ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Sau đó phát thanh viên Hoàng Yến mời khán thính giả cả nước nghe bài bình luận chiến thắng, giới thiệu người đọc rồi tôi bắt đầu...”, ông kể.
“Đọc xong bước ra cổng, mùi khói lan tỏa khắp nơi, ngây ngất, thiêng liêng, đã lắm. Tôi thấy một đứa trẻ chừng 10 tuổi “chổng khu” lên la hoài: giải phóng rồi! giải phóng rồi!
Hai ông người Pháp đi lại hỏi: La gì vậy? Tôi giải thích xong, họ cũng la to hoan hô và ôm chặt vai đứa nhỏ. Nhỏ vậy nó đâu biết miền Nam ở đâu nhưng ba đi bộ đội sẽ trở về với mẹ, với nó, tôi rớt nước mắt”, và bây giờ, bên ly cà phê, ông lại khóc, đưa tay quệt nước mắt hoài.
Thời gian trôi chảy không ngừng. Những giọng đọc tài hoa một thời đi vào ký ức của hàng triệu người Việt Nam đã thưa vắng dần, người già người mất, để lại biết bao hẫng hụt, nuối tiếc.
Vai trò Đài TNVN khi đó lớn lắm, nhiều lá thư sâu đậm tình cảm đã vượt “giới tuyến”, ra tận Hà Nội, cảm ơn, động viên anh chị em.
Ông nhớ lại: “Có lần Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường về gửi quà cho ông Trần Lâm, Tổng Giám đốc Đài TNVN, khi đó một trang tin nhanh của Việt Tấn Xã (Hãng Thông tấn của chính quyền Sài Gòn) trích nhận xét của bộ phận tâm lý chiến Mỹ về các phát thanh viên miền Bắc: Những năm qua, đài Sài Gòn không có được một đội ngũ phát thanh viên có giọng đọc súc tích, truyền cảm, có tâm hồn như đài Hà Nội”.
“Tham gia các sự kiện lớn, sang Trung Quốc, rồi làm chuyên gia phát thanh cho Đài Mátxcơva… Năm nay đã 84 tuổi ta mà ông vẫn lên sóng liên tục, đúng kỳ, không ngơi nghỉ”, ông Quách Triệu, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Cần Thơ, nhận xét đầy tự hào.
“Nghỉ hưu xong, ông về Cần Thơ, cộng tác với đài. Hiện ông vẫn “đứng” hai chuyên mục là “Quốc phòng toàn dân Quân khu 9” (Cục Chính trị Quân khu 9 mời đích danh ông), từ khi ra đời đến nay gần 20 năm rồi và “Đọc chuyện đêm khuya”.
Vừa lên sóng, vừa hướng dẫn, giảng dạy cho lớp trẻ kế thừa. Cẩn thận, tỉ mỉ, trách nhiệm đến từng câu chữ. Ông say nghề, phòng thu, phòng phát như là hơi thở, là cuộc đời của ông vậy.