Triển lãm Nàng thơ thuở ấy trưng bày hơn 20 tác phẩm thơ tiền chiến của các tác giả như: tập thơ Lửa Thiêng của Huy Cận xuất bản lần đầu năm 1940; tập thơ Thơ thơ cuả Xuân Diệu xuất bản lần đầu năm 1938; tập thơ đầu tay Điêu Tàn của Chế Lan Viên xuất bản lần đầu năm 1938 với thủ bút và chữ ký của tác giả. Đặc biệt, tập thơ Quê ngoại của Hồ Dzếnh xuất bản lần đầu năm 1943 là một trong những ấn phẩm thượng hạng hiếm hoi còn sót lại.
Cổ nhân từng nói: “Thi trung hữu nhạc” tức trong thơ có nhạc để nói lên rằng thơ và nhạc có mối lương duyên sâu nặng, thơ là sự lắng đọng xúc cảm thông qua ngôn ngữ, nhạc là nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tình cảm, tâm trạng. Và khi những giai điệu được cất lên từ lời thơ tạo thành một mối tương giao kỳ diệu.
Mối tương giao này được thể hiện rất rõ trong nhiều tác phẩm âm nhạc kinh điển đã được các nhạc sĩ tài hoa phổ từ các bài thơ nổi tiếng mà đến tận bây giờ nghe vẫn rất quen thuộc như: Anh cứ hẹn, Thoi tơ, Ngậm ngùi hay Tiếng sáo thiên thai.
Đợt triển lãm lần này sẽ tái hiện mối tương giao sâu sắc giữa thơ và nhạc thông qua việc triển lãm hơn 20 bìa nhạc đặc sắc là các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng được phổ thơ.
Đặc biệt, điểm nhấn trong đêm nhạc sẽ là buổi đấu giá sách gây quỹ cho quỹ Hoa Sen cho chương trình Vươn tới chân trời nhằm cung cấp tài chính cho sinh viên, giáo viên trong các dự án hoạt động nghiên cứu văn hóa, khoa học. Trong suốt thời gian chuỗi sự kiện diễn ra, nhà đồng hành là công ty sách Huyền Đức sẽ ủng hộ quỹ Hoa Sen bằng cách trích 50% số tiền bán sách tại Đường Sách TPHCM.