
Ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng số 390 do trung úy Vũ Đăng Toàn (chỉ huy xe), trung sĩ Nguyễn Văn Tập (lái xe), trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ số 1) và thiếu úy Lê Văn Phượng (pháo thủ số 2) đã húc đổ cổng dinh Độc Lập, đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ.
30 năm trôi qua, nhưng chất lính trong các anh vẫn nguyên vẹn: mộc mạc, đơn sơ khi say sưa kể cho chúng tôi những kỷ niệm trong cuộc chiến tranh tàn khốc đã qua và những năm tháng hòa bình vất vả lo toan cuộc sống...
- Suýt hy sinh trong ngày cuối cùng của chiến tranh
Chúng tôi về huyện Gia Lộc (Hải Dương) để tìm gặp hai anh Vũ Đăng Toàn và Nguyễn Văn Tập. Người dân trong huyện gọi các anh với cái tên thân mật là “Toàn xe tăng”, “Tập xe tăng”. Anh Vũ Đăng Toàn mở đầu câu chuyện bằng câu chào hóm hỉnh: “Rất may còn sống được đến hôm nay để nói chuyện với các cậu đấy”.

Từ trái sang phải: Ngô Sỹ Nguyên - pháo thủ số 1, Nguyễn Văn Tập - lái xe, Lê Văn Phượng - đại đội phó kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2, Vũ Đăng Toàn - chính trị viên đại đội, trưởng xe.
Rồi anh quay sang anh Tập, nói: “Sáng 30-4-1975, chú Tập mà lái xe chậm nửa giây thôi thì chắc bọn tôi trúng bom rồi. Trên đường vào dinh, xe 390 bị hai xe tăng M48 và M113 của địch chĩa nòng súng nhả đạn, chú Nguyên quay súng bắn tiêu diệt luôn xe tăng địch để tiến vào.
Đến dinh Độc Lập, xe của anh Bùi Quang Thận đi đầu và dừng lại ở phía trái cổng, chú Tập hỏi tôi: “Hay xe của anh Thận bị thương rồi, có cho xe vào dinh không?”. Tôi lệnh: “Húc đổ cổng mà vào chứ còn sao nữa”.
Sau chút hồi ức về chiến tranh, anh Toàn trở về thực tại. Anh kể: rời quân ngũ năm 1985 với quân hàm đại úy, nhưng lương bộ đội thấp lắm, chẳng đủ trang trải cho chi tiêu tối thiểu của gia đình, anh xoay làm đủ nghề. Đầu tiên, làm bánh đa nhưng cũng chẳng kiếm được là bao, hàng hóa khó tiêu thụ. Sau đó, anh đấu thầu cái ao 4 sào (1 sào bằng 360m2) của xã Yết Kiêu để nuôi thả cá.
Đến năm 1993, xã chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phải trả lại ao, anh xoay sang nghề làm đậu phụ, nuôi lợn. Và hơn 1 năm nay, anh đi làm ở Công ty Sơn Kova (Hà Tây) với mức lương 1 triệu đồng cộng với lương hưu cũng đủ cho cuộc sống gia đình đỡ gieo neo.
- Tình nguyện xin thôi học để đi chiến trường
Với trung sĩ lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập, giờ đây cuộc sống của anh cũng khấm khá lên. Với dáng vẻ luôn tận tụy như hồi ở chiến trường, anh khiêm tốn nói: “Chúng tôi hạnh phúc hơn những anh em đã ngã xuống, cũng chẳng nghĩ mình lại là nhân chứng đâu”.
Đồng đội đã kể nhiều về anh. “Cái tay Tập ấy sống trầm và cần mẫn lắm, khi rảnh rỗi suốt ngày chỉ lau xe tăng với súng đạn, khi lái thì lao nhanh lắm, đến dinh Độc Lập cứ lao vào cổng, chẳng ngờ mình lại đi đầu”, Thiếu úy Lê Văn Phượng đắc chí khi kể về “thằng em” của mình như thế.
Năm 1970, khi nhập ngũ anh 19 tuổi và đang học Trường Trung cấp Cơ khí 2, thuộc Bộ Nông nghiệp. “Thời điểm đó, tôi có 2 anh trai đang phục vụ trong quân ngũ, mình là em út, theo quy định thì được miễn. Tôi tình nguyện xin thôi học để nhập ngũ, vào chiến trường”.
Sau 6 năm trong quân ngũ, trở về địa phương xin đi học lại, nhưng tại trường cũ, khóa học đã kết thúc, anh đành khoác ba lô về địa phương chờ đợi. Thế là từ một trung sĩ lái xe tăng, anh được xã cử đi học lái máy kéo khóa 6 tháng tại Trường Lai Cách (Cẩm Giàng, Hải Dương).
Ra trường, anh lại chuyển sang làm cán bộ định mức hợp tác xã, rồi làm cung ứng vật tư nông nghiệp. Đến năm 1984, anh được bầu làm Phó Chủ nhiệm HTX Phương Lộc. Sau 2 năm, anh trở về làm ruộng và buôn bán phân bón và đến năm 2000 trở lại xã làm bưu tá. Rồi anh lại được người thủ trưởng cũ của mình trong quân ngũ giới thiệu vào làm cho Công ty Sơn Kova với thu nhập 1 triệu đồng/tháng.
Giờ đây, bước sang tuổi 54, người chiến sĩ lái xe tăng - thương binh loại 2 Nguyễn Văn Tập vẫn cần mẫn với công việc của mình, tuy mới mà rất quen thuộc, đó là lái xe chở sơn.
- Hai lần lỗi hẹn với cha mẹ
Anh Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ số 1) nay ngụ ở tổ dân phố 32 phường Khương Trung, Hà Nội. Mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi về thời gian 12 năm trong quân ngũ, anh nói: “Cuộc đời tôi hai lần lỗi hẹn với cha mẹ. Năm 1974, khi cha mất, tôi đang ở chiến trường miền Nam; năm 1979 khi đang làm nhiệm vụ ở biên giới phía Bắc thì mẹ mất và tôi cũng không về kịp. Nhưng chắc cha mẹ đều tha thứ cho tôi vì cả 2 lần tôi đều đang đi làm nghĩa vụ với Tổ quốc”.
Anh kể, trong thời kỳ quân ngũ của mình (1970-1982), trải qua bao nhiêu gian khổ và hào hùng, nhiều kỷ niệm lắm. Nhưng buổi trưa ngày 30-4-1975 là ngày đẹp nhất khi anh được giao nhiệm vụ gác toàn bộ nội các Dương Văn Minh để chờ chỉ huy Bùi Văn Tùng đến.
Khi ra quân không đủ thời gian để được hưởng chế độ, năm 1993 anh đi lái xe lam. Nhưng trong thành phố, xe lam không được hoạt động, anh xin vào Công ty Xe buýt Hà Nội tuyến Giáp Bát – Hà Đông đến nay đã được hơn 3 năm. Thời gian làm việc cộng với đi về nữa thì phải mất 10 tiếng/ngày với mức thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng để nuôi hai con đang theo học ngành y.
Anh tâm sự: “Thời kỳ lái xe lam của tôi là cơ cực nhất, mỗi ngày làm chỉ được hơn 3 kg gạo đủ nuôi hai cháu trong gia đình, có khi 5 năm mới về thăm quê hương (Nghệ An) một lần. Bây giờ đỡ hơn, một năm về được hai lần.
- Cưới vợ hôm trước, hôm sau đi chiến trường
“Tôi sinh năm 1945, năm đất nước có nhiều biến cố. Tuổi con gà, chỉ đủ ăn, không có của để dành. Trong gia đình ai cũng nói đời tôi gắn với binh nghiệp” - anh Lê Văn Phượng (pháo thủ số 2) mở đầu cuộc trò chuyện như vậy cùng chúng tôi tại hiệu cắt tóc mà anh đang làm ở cổng Trường Sĩ quan Lục quân 1, thị xã Sơn Tây, Hà Tây. Năm 1965 nhập ngũ, đi biền biệt 6 năm mới xin nghỉ phép, sắp hết phép thì gia đình giục cưới vợ. Ngày 24-9-1971, anh cưới vợ, thì chỉ 1 ngày sau, tức ngày 25-9-1971, anh lên đường vào chiến trường.
Nhớ lại những ngày cuối cùng của chiến tranh, anh kể: Vào đêm 29-4-1975, một trung sĩ pháo thủ 2 của xe 390 bị thương cụt chân, anh là đại đội phó lúc ấy lên thay làm pháo thủ 2.
Rồi anh tự hào kể: “Tôi nhiều tài lẻ lắm, đàn hay, hát tốt, vẽ vời cũng không đến nỗi nào. Bây giờ tôi vẫn còn một kỷ vật được trưng bày tại dinh Thống Nhất, đó là chiếc bi - đông đựng nước được tôi khắc chiếc xe tăng 390 lên đó. Trong quân ngũ, thuốc lào cũng khó kiếm, nhiều lúc anh em cứ đùa bắt tôi đàn hát và thổi sáo mới cho thuốc lào, thế mới hay chứ”, anh Phượng gật gù.
Từ lúc ra quân năm 1986 đến năm 1994, anh làm đủ nghề: lên rừng kiếm củi, đóng gạch thuê, rồi làm các nghề bánh kẹo, thủy tinh, gạch men, cơ khí… Thế vậy mà suốt thời gian ấy, chỉ được ăn cơm cháy để nhường cơm ngon cho con và bố mẹ. Từ năm 1995 đến nay, anh chuyển sang nghề cắt tóc. Theo anh Phượng, nghề này ngày nhiều kiếm được 50.000 đồng, ngày ít được 30.000 đồng, nhìn chung là đủ tiền chi dùng hàng ngày và đổ xăng cho chiếc xe babetta đi hơn 10 km từ nhà đến hiệu cắt tóc.
Đã 30 năm trôi qua, mỗi người một gia cảnh, nhưng từ thời trai trẻ anh đã đi theo tiếng gọi của núi sông, cũng như những năm tháng đã vật lộn với cuộc sống thường ngày, các anh đều giữ vững phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ.
VĂN NGHĨA - BÍCH HẰNG