Bữa cơm nào cũng thèm vị quê trong niêu cá kho, bát canh cua, mấy lát măng ngâm ớt. Nhưng hơn cả vẫn là nhớ người làng với mắt biếc, môi cười, tóc mây một thuở. Nhớ đến mức, thỉnh thoảng bất ngờ gặp lại họ giữa phố, tôi thấy vui hơn cả một món quà.
Như hôm bất chợt gặp người cùng làng đúng lúc đang xếp hàng chờ khám trong bệnh viện. Vội nắm níu tay nhau bởi biết bao chuyện cần hỏi han mà thường ngày những cuộc điện thoại đâu dễ gì nói hết.
Chị kể chuyện dự án nước sạch nằm trên giấy tờ bao năm nay cuối cùng cũng đã về làng. Về sau khi nhà nào cũng mua được máy lọc nước, nhà không có cũng chạy vạy để mua. Đang nói chuyện nguồn nước thì tạt qua chuyện đưa ma. Cụ Trầm sống thọ nhất làng mới mất giữa đợt nắng nóng đầu tiên trong năm. Cụ chết nhẹ hều, sáng đi chợ về còn thấy cụ ngồi gội đầu bồ kết. Lúc chạy qua biếu mấy quả cau tươi thì cụ hong tóc đã gần khô. Vừa cạo vỏ vối, cụ vừa bảo: “Ăn xong miếng trầu ngon thì lên giường nằm nghỉ”. Nào có ai ngờ, cụ ngủ giấc ngàn thu, môi vẫn đỏ màu trầu cau quyện thắm. Hôm đưa cụ ra đồng không ai khóc, đám ma ấy vui nhất từ trước đến giờ, vì ai cũng nghĩ cụ đã sống thật tốt phúc. Lúc gọi thầy tìm hướng, thầy chọn đúng gốc cây đa cổ thụ để đào huyệt. “Người sống tỏa bóng mát, đến lúc chết đi được hưởng bóng mát, đúng là sướng cả một đời”. Giọng người làng giữa chốn phố xá đua chen nghe lại nhẹ lòng đến lạ.
Hình ảnh làng quê hiện ra trong tôi luôn là những cột khói dài luồn khỏi lùm cây, bay giữa nền trời chiều đỏ thẫm. Trên là rừng xanh, dưới là đồng vàng, nơi người làng quanh năm khom lưng chăm mùa vụ. Không có tường rào xây kiên cố, ranh giới giữa 2 nhà chỉ là giậu cúc tần thưa thớt điểm tô vài bông hoa dâm bụt. Gà nhà này sang ăn thóc nhà khác, cây bên vườn này buông quả trĩu vườn kia. Một nhà tát đầm là bữa cơm cả xóm có bát canh chua, trước cửa nhà ai cũng thấy phơi tép nhỏ.
Một người ốm cả làng rủ nhau đến thăm nom. Nếu gặp cảnh neo đơn thì bảo nhau đỡ đần khuya sớm. Chị kể, bác Kha bao năm ở túp lều giờ đã làm nhà mới. Người giúp tiền, người lo gạch ngói, người lên rừng chọn ít gỗ thẳng làm đòn tay. Người không có nhiều thì giúp công, hoặc có khi xách con gà sang làm cơm đãi thợ. Một người mất thì cả làng xúm lại lo hậu sự, ngoài tiền phúng viếng vẫn không quên góp thêm cân gạo đỡ đần gia chủ. Người làng sống theo đúng nghĩa “của ít lòng nhiều”, “lá lành đùm lá rách”. Bao nhiêu năm qua đời sống đã thay da đổi thịt nhưng thứ văn hóa làng xã đã ăn sâu vào từng nếp nghĩ.
Mỗi khi gặp lại người làng ở phố, tôi luôn mừng như gặp lại người thân. Có nhiều cụ vẫn nhớ đến tôi của 20 năm trước. “Nó đen nhẻm hay sang xin khế về kho cá. Lúc đi về thể nào cũng lấy đà nhảy phóc qua hàng rào mà không chạm ngọn cây”. Có đôi khi, tôi không thể nào tìm lại được ký ức ngày xưa, càng lớn tuổi càng thấy nhiều khoảng trắng xuất hiện trong tâm hồn mình. Tôi cứ tiếc nuối những kỷ niệm ấu thơ đã không kịp lưu lại trong một thước phim hay bức ảnh nào.
Nhưng hóa ra những người làng đã giúp tôi lưu lại rõ nét và sinh động đến mức tưởng như sờ nắm được. Nên mỗi lần nghe tin ai đó qua đời là tôi xót xa một kho tư liệu sống...