Kết quả chụp X-quang ngực thẳng nghiêng phát hiện dị vật tròn 1,5 x 1,5 cm mắc tại 1/3 trên thực quản của bé.
Các bác sĩ sử dụng kỹ thuật lấy dị vật theo đường tiêu hóa lấy ra được một viên sỏi kích thước 15x15 mm, hình ê-líp không góc cạnh.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, bé Q. có thói quen chơi đồ vật gì thì hay cầm lấy bỏ vô miệng, viên sỏi hồ cá em chơi lúc 22 giờ đêm trước lúc ngủ đã bị em vô tình nuốt nhầm, ba liên tục móc họng cho bé ói nhưng không ra.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ tiến hành siêu âm bụng, kết quả không ghi nhận bất thường, mời hội chẩn tai mũi họng, tiêu hóa và được ekip nội soi tiêu hóa do bác sĩ Lê Đức Lộc gắp ra kịp thời sau đó.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ nhỏ khám phá thế giới bằng mọi giác quan, kể cả miệng. Do vậy, trẻ rất dễ nuốt phải những vật như đồng xu, hòn bi, kim băng, viên thuốc, cúc áo, mảnh đồ chơi, pin cúc áo và hạt quả. Các dị vật có thể chia làm 3 nhóm:
Dị vật sắc bén nguy cơ thủng, rách, dị vật chèn ép đường thở, đường ăn: Nếu cha mẹ thấy con mình nuốt phải dị vật trước khi kịp can thiệp và có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng như: Khó thở, khó nói hoặc khó khóc, không ho được, thở khò khè hoặc ồn ào, khó nuốt, chảy dãi hoặc khạc nhổ liên tục, bất tỉnh,… cần xử trí ngay. Những phản ứng này, dị vật đã chẹn một phần thanh quản hoặc khí quản, gây khó thở. Đứa trẻ đang bị ngạt thở không thể nói, ho cũng như khóc và trẻ sẽ bất tỉnh trong vòng vài phút nếu không được làm thông đường thở. Hãy gọi cấp cứu ngay.
Dị vật ăn mòn: Nếu trẻ nuốt phải tiền xu, kẽm tác dụng acid dịch dạ dày có thể thành chất bào mòn dạ dày gây loét, hãy chờ 1 hoặc 2 ngày xem nó có được thải ra ngoài theo phân không. Nếu không thấy hoặc nếu trẻ bị đau bụng hoặc nôn, hãy vào viện ngay.
Các loại pin nhỏ như cúc áo cũng có thể gây tổn thương ăn mòn nặng. Loại pin nhỏ này thường được sử dụng trong thiết bị điện tử xách tay như camera, máy tính bỏ túi, đồng hồ, trò chơi điện tử, bộ điều khiển mở cửa của ôtô và máy trợ thính, có chứa các chất kiềm.
Giống như tiền xu, pin cúc áo thường nếu qua hệ tiêu hóa trơn tru sẽ không gây tai nạn. Nhưng nếu pin bị mắc lại ở thực quản, dạ dày hoặc ruột, dịch pin ăn mòn sẽ gây tổn thương. Nếu cha mẹ biết trẻ nuốt phải pin, hãy gọi điện cho bác sĩ hoặc gọi cấp cứu.
Dị vật không ăn mòn: Thông thường, nếu dị vật không phải vật ăn mòn thì tốt nhất là theo dõi chặt chẽ trẻ trong vài ngày, kiểm tra toàn bộ phân để xem dị vật đã ra hay chưa. Nếu trẻ nôn, bỏ ăn hoặc kêu đau bụng bất kỳ lúc nào trong giai đoạn này, hãy gọi bác sĩ ngay.
Dị vật nuốt phải có thể tắc nghẽn ở đoạn dưới đường tiêu hóa. Cũng như vậy, nếu dị vật không được thải ra ngoài sau 4-5 ngày, hãy gọi bác sĩ. Hãy gọi bác sĩ hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay nếu trẻ thấy khó chịu vài tiếng hoặc thậm chí vài ngày sau khi nuốt phải dị vật. Trẻ có thể cần phải chụp X-quang để phát hiện vị trí dị vật.
Nếu dị vật bị mắc ở thực quản, bác sĩ có thể dùng nội soi để xác định vị trí và lấy bỏ dị vật. Nếu dị vật trong khí quản, cũng có thể lấy bỏ bằng nội soi phế quản. Nếu dị vật trong dạ dày trẻ, bác sĩ thường đợi cho dị vật tự ra ngoài.
Tuy nhiên, nếu dị vật gây ăn mòn như tiền xu hoặc pin, đã ở trong dạ dày của trẻ trên 24 tiếng, có thể phải phẫu thuật để lấy ra.