Trong khi đó, việc nhập cát từ Campuchia cũng đang gặp khó khăn, do giá thành khá cao. Nhu cầu cát đắp nền đường thuộc dự án thành phần 1 (xây lắp) trên địa bàn TPHCM dự kiến khoảng 7,1 triệu m3, riêng trong năm nay cần khoảng 4,7 triệu m3.
“Hiện các địa phương Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đã có chủ trương hỗ trợ, cấp cát đắp nền đường cho dự án đường Vành đai 3. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là thủ tục liên quan để có thể cung cấp cát đắp nền cho dự án. Theo kế hoạch của các tỉnh, sớm nhất là trong tháng 6 này mới hoàn thành các thủ tục liên quan, khi đó các nhà thầu mới có thể tiếp cận mua thương mại để cung cấp cát về cho dự án,” ông Lương Minh Phúc thông tin.
Hiện ở Campuchia có 3 công ty khai thác mỏ cát được phép xuất khẩu cát. Theo Ban Giao thông, phía Campuchia chỉ có loại cát xây dựng (không có cát san lấp) và giá cát này nhập khẩu về tới công trường là khoảng 360.000 đồng/m3. Việc nhập cát xây dựng về sử dụng làm cát san lấp sẽ dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá thành so với cát san lấp tại địa phương (có giá khoảng 230.000 đồng/m3).