Tham dự chương trình là ba nhà văn đều có những thành tựu nhất định trong sáng tác văn học Việt Nam - Hàn Quốc: nhà văn Pyun Hye-Young, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn và nhà văn Bùi Tiểu Quyên, cùng đông đảo những người yêu văn chương.
Phát biểu tại chương trình, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho rằng, chương trình “Gặp gỡ văn chương Việt – Hàn” không chỉ là cuộc gặp gỡ giữa nhà văn của hai quốc gia, mà còn là dịp giao lưu với người viết, người dịch, người nghiên cứu văn học, người đọc và người quảng bá văn học trong nước và thế giới.
“Thông qua buổi gặp gỡ hôm nay, ngoài việc trao đổi về nghề, bàn về nguồn cảm hứng cũng như quá trình sáng tác các tác phẩm văn học, Ban tổ chức chúng tôi mong muốn góp phần tạo cơ hội cho hành trình quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại, có thể có những bước đi thuận lợi và tạo cơ hội cho những buổi giao lưu văn học quốc tế tiếp theo”, nhà văn Bích Ngân cho biết.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu tại chương trình |
Nhà văn Pyun Hye-young, sinh năm 1972 tại Seoul. Tính đến nay, cô đã có hơn 10 tiểu thuyết và tập truyện ngắn được xuất bản, chủ yếu đi sâu khai thác những góc tối kỳ dị ở con người, được xem là một trong những nữ nhà văn trinh thám, kinh dị nổi bật tại Hàn Quốc. Tại Việt Nam, Pyun Hye-young được biết đến qua hai tác phẩm do Nhã Nam phát hành: Hố đen sâu thẳm và Tro tàn sắc đỏ.
Đây là lần thứ hai nhà văn Pyun Hye-young đến Việt Nam, lần đầu cách nay đã gần 20 năm. Trước chương trình giao lưu vài ngày, chị đã có thời gian tham quan TPHCM và ấn tượng của chị về thành phố là có nhiều mảng xanh, đặc biệt là có nhiều con đường với những hàng cây rất cao lớn.
“Những cây xanh đó giống như tồn tại, song hành, lớn lên cùng lịch sử của nơi đây. Vì vậy, khi tôi nhìn vào những hàng cây xanh của TPHCM, tôi cảm nhận được lịch sử, cảm nhận được một điều gì đó khiến tôi rất yên bình khi đến với vùng đất này lần thứ hai”, nhà văn Pyun Hye-young bày tỏ.
Về mối quan hệ văn học giữa hai nước, nhà văn Pyun Hye-young cho biết, tại Việt Nam, văn học Hàn Quốc vẫn còn rất khiêm tốn và ngược lại, ở Hàn Quốc cũng rất ít người biết đến nền văn học Việt Nam. "Chính vì vậy, tôi rất kỳ vọng buổi giao lưu ngày hôm nay sẽ là bước khởi đầu để sau này chúng ta sẽ có nhiều cuộc giao lưu nữa thông qua gặp gỡ tác giả, thông qua biên dịch…”, nhà văn Pyun Hye-young chia sẻ.
Các diễn giả tại chương trình: nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà văn Bùi Tiểu Quyên, nhà văn Pyun Hye-young và dịch giả Hiền Nguyễn (từ phải qua) |
Cùng tham gia vào chương trình còn có hai tác giả của Việt Nam là nhà thơ Lê Thiếu Nhơn và nhà văn Bùi Tiểu Quyên. Từ góc độ của một người viết đồng thời cũng đang là nhà báo theo dõi mảng xuất bản, theo nhà văn Bùi Tiểu Quyên, có một điểm chung của văn chương đó là cùng viết về thân phận con người, về chiến tranh, lịch sử, khát vọng, tình yêu… Tất cả những điều đó đều có trong các tác phẩm văn chương của thế giới chứ không riêng Việt Nam và Hàn Quốc.
Đông đảo bạn đọc quan tâm đã tới tham dự chương trình |
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên cho biết, bạn đọc cũng như khán giả Việt Nam tiếp cận với Hàn Quốc từ phim ảnh trước. Và đó là một thế giới rất lãng mạn, những câu chuyện về tình yêu, gia đình, về những tập đoàn kinh tế hào nhoáng… Tuy nhiên, khi đọc những tác phẩm văn chương Hàn Quốc thì chị có cảm giác ngược lại.
Chị cho biết: “Hiện thực trong văn chương Hàn Quốc không đẹp, không hào nhoáng, lãng mạn như trên phim ảnh mà có rất nhiều bi kịch, tâm lý, ẩn ức của con người trong một xã hội đầy rẫy nỗi ưu tư. Và đặc biệt là nỗi cô đơn mà con người luôn muốn tìm cách kết nối với xã hội và muốn tìm về với bản ngã của chính mình”.
Từ Hà Nội, dịch giả Lê Đăng Hoan - một dịch giả có nhiều đóng góp trong việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học Hàn Quốc sang tiếng Việt, đã vào TPHCM tham dự chương trình |
Sự kiện “Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn” nằm trong khuôn khổ của Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2023 do Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc tài trợ. Năm nay, Trường ĐH Văn Lang tiếp tục là đại diện Việt Nam được Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc lựa chọn để tổ chức chương trình nuôi dưỡng các dịch giả văn học tương lai. Vào năm ngoái, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các sự kiện giao lưu văn chương chỉ được thực hiện qua hình thức trực tuyến.