Thành công không có công thức chung và mỗi người tự có một góc nhìn khác nhau để định nghĩa sự thành công. Tuy nhiên, dễ nhận thấy ca sĩ thị trường có ê kíp hậu thuẫn từ truyền thông đến các hoạt động tài trợ, nên sản phẩm nghệ thuật dù hời hợt vẫn dễ dàng “on top” (dẫn đầu các bảng xếp hạng về âm nhạc, trình diễn…). Mỗi lượt thích, lượt xem, chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến đều mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Trái với bề nổi của nhóm nghệ sĩ thị trường, người học hành bài bản, cả chục năm trời theo đuổi thanh nhạc, diễn xuất hay nghệ thuật múa… chưa chắc đã có tiếng, và nghệ sĩ theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống lại càng chông chênh. Có được buổi biểu diễn không phải quá khó, nhưng tiền cát xê chỉ có thể ở mức gói ghém, tiết kiệm và sân khấu thường là những sự kiện từ các cơ quan, đơn vị… không thể bì với độ hoành tráng của sân khấu ngoài trời với dàn âm thanh, ánh sáng khủng.
Một giảng viên âm nhạc dân tộc tại Nhạc viện TPHCM từng kể câu chuyện về học trò của mình. Tại trường, sinh viên theo học nhạc cụ phương Tây thường tự tin và tự hào phô diễn tài năng lẫn cây đàn mà mình đang mang. Sinh viên đem theo nhạc cụ dân tộc thì lại e dè, thậm chí ngần ngại chốn đông người. Anh chia sẻ: Trong xu hướng thị trường, âm nhạc truyền thống đã lép vế, nên sinh viên dẫu ngón đờn có giỏi cũng gian nan tìm được khán giả mộ điệu.
Sau ánh đèn sân khấu, người nghệ sĩ theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống sống được với nghề khi về già, là con số rất ít, phần nhiều vẫn vất vả với công việc hậu đài để mưu sinh khi nghiệp diễn phải theo luật “thầy già, con hát trẻ”. Nhiều người nương tựa vào các quỹ hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn, Viện Dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8), chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp)…
Nói xa thì cũng phải nhìn lại phần chủ quan của vấn đề, làm nghệ thuật không chỉ có tài năng là đủ, mà còn phải có cái duyên mới chạm đến thành công và ở lại trong lòng khán giả. Sinh viên theo đuổi nghệ thuật không phải ai cũng đủ tố chất và may mắn để tỏa sáng. Vì thế mà có người nổi tiếng, người còn loay hoay cũng là điều không thể tránh khỏi.
Và lĩnh vực nào cũng vậy, muốn phát triển cần có sự đầu tư đồng bộ trên nhiều phương diện. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lẫn các nghệ nhân dân gian chua xót nhìn nhận, khi đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh, cái được nhiều nhất là nhiều nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân được công nhận, còn chuyện đầu tư từ các đơn vị quản lý văn hóa rõ ràng vẫn chưa xứng tầm. Nhiều người giữ lại tiếng đờn, câu ca theo đúng nghĩa vì đam mê, chứ kinh phí hỗ trợ có cũng chỉ tượng trưng. Nhiều năm qua, các đơn vị quản lý văn hóa cấp tỉnh, thành đến địa phương vẫn chưa thực sự hiệu quả trong việc đầu tư trọng điểm và đổi mới công tác quản lý về nghệ thuật… Vì thế mà cái èo uột lại càng teo tóp trong xu hướng thị trường và sức sống đã không có thì nói gì đến việc cạnh tranh. Sự thiếu vắng về mặt vật chất rất dễ nhìn thấy, nhưng thiếu vắng tinh thần như một cơn mưa dầm, mà rất lâu sau đó người ta mới có thể nhận ra.
Một khía cạnh khác cũng cần nhìn nhận đó là lộ trình nâng cao thẩm mỹ cộng đồng, khán giả chính là người sàng lọc chính xác nhất để nghệ thuật vươn tầm và sản phẩm lỗi phải bị loại trừ. Khi thị hiếu thẩm mỹ cộng đồng vẫn còn chênh lệch, chuyện sản phẩm văn hóa “dỏm” chạy theo thị trường vẫn ăn khách thì cách biệt giữa nghệ sĩ thị trường và người làm nghệ thuật bài bản chắn chắn còn xa.