Cảm xúc tự hào
TS Hồ Thị Xuân Quỳnh, giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ, tâm sự, khi nghiên cứu văn thơ Bác và hướng dẫn cho sinh viên các đề tài luận văn, tiểu luận, càng đọc nhiều cô càng thấm thía những nội dung tư tưởng nhân văn. Tinh thần xuyên suốt các tác phẩm của Bác là yêu nước. Nhiều tập thơ đã trở thành bất hủ. Theo cô, những giá trị tình cảm cao đẹp trong thơ Bác, hơn hết là khát khao giải phóng dân tộc, chiến đấu vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho đồng bào; vì thế cô luôn luôn có cảm xúc tự hào, ngưỡng mộ khi tìm hiểu về cuộc đời của Người và dạy thơ Người.
Cô Nguyễn Lê Ngọc Trinh, giáo viên Trường THPT Phong Phú (TPHCM), tâm sự rằng những vần thơ của Bác tiếp thêm niềm tin, nghị lực để bản thân cô không ngừng vươn lên. “Tôi đã “gặp” Bác trong từng trang thơ của “Nhật kí trong tù”. Mỗi lần đọc lại tập thơ này, tôi thấy hình ảnh một người chiến sĩ cao gầy nhưng đầy mạnh mẽ trong khung cảnh nhà giam ngột ngạt, bẩn thỉu của quân Tưởng. Tuy trong không gian chật chội, thiếu thốn của chốn ngục tù, nhưng ta vẫn thấy trong từng vần thơ của Bác một tinh thần lạc quan bao trùm, lấn át cái tăm tối ấy. Cả tập thơ, không bài thơ nào không chứa chất thép, chất tình ở trong đó, chẳng hạn bài Khai quyển: Lão phu nguyên bất ái ngâm thi/ Nhân vị tù trung vô sở vi/ Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật/ Thả ngâm thả đãi tự do thì.
Giúp gen Z yêu thích thơ
Bác Từ niềm yêu thích thơ ca của Bác, người dạy đã thay đổi cách thức truyền đạt để phù hợp với đối tượng tiếp nhận là những người trẻ ngày nay. TS Trần Thị Lam Thủy, giảng viên Khoa Sư phạm Khoa học - Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn, chia sẻ phương pháp giảng dạy thơ ca của Bác cho sinh viên gen Z, để giúp các bạn trẻ “gặp” Bác là cần sáng tạo, mới mẻ: Gen Z lớn lên trong thời đại công nghệ số, tiếp xúc nhiều với văn hóa hiện đại, ngôn ngữ sử dụng thường mang tính tự nhiên. Một số tác phẩm thơ của Bác mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, sử dụng nhiều điển tích, từ ngữ Hán Việt. Bên cạnh đó, tính trang trọng trong thơ Bác khi đề cập đến những chủ đề lịch sử, chính trị; những tư tưởng, triết lý… đòi hỏi các sinh viên phải đầu tư nghiêm túc tìm hiểu, cho nên cần đổi mới trong phương pháp. Chẳng hạn như học tập theo dự án hoặc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo trải nghiệm học tập mới mẻ. Công nghệ AI có thể giúp sinh viên, học sinh chìm đắm vào thế giới thơ Bác, trực tiếp cảm nhận và tương tác với các bài thơ; sử dụng AI để tạo các mô hình 3D về Bác, về quê hương Bác, về những địa danh được nhắc đến trong thơ…
TS Trần Thị Lam Thủy còn cho biết, khi dạy thơ Bác cho sinh viên thời 4.0, cô cũng tận dụng những ưu việt trong các phương tiện truyền thông, kỹ thuật, như sử dụng nhạc rap để truyền tải nội dung. Cô lý giải, nhạc rap có thể giúp các bạn gen Z tiếp cận thơ Bác một cách dễ dàng và thú vị. Các giáo viên ở bậc THPT, THCS còn dựa vào độ tuổi của người học để có những phương pháp giảng dạy độc đáo. Thầy Đặng Thừa Ân, giáo viên Trường THCS & THPT Lương Hòa (Long An), tạo sự lôi cuốn cho các em học sinh bằng những bài hát, trình diễn kịch, chiếu phim tư liệu, hay thậm chí tận dụng các ứng dụng trò chơi trực tuyến. “Bản thân tôi khi giảng dạy luôn tìm tòi để đưa các điệu lý dân ca vào giờ học. Có khi tôi sẽ hò một câu hò về Bác, hát một đoạn về một bài hát liên quan đến nội dung bài học hoặc sáng tạo lời bài hát dựa trên những làn điệu dân ca. Thực tế cho thấy, học sinh rất hào hứng khi vừa được thưởng thức những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vừa được tiếp thu những giá trị trong tác phẩm của Bác”, thầy Ân nói.
Còn cô Nguyễn Yến Phượng, giáo viên Trường THPT Hòa Ninh (Vĩnh Long), cảm nhận thơ văn Bác vốn có sức hấp dẫn đối với người đọc, thế hệ gen Z cũng không ngoại lệ. Thay vì chú trọng quá cao vào học thuật, đòi hỏi hiểu biết một cách hoàn hảo thì người dạy cần giúp người học chủ động tìm hiểu, khám phá theo khả năng và trí tuệ, tình cảm của người học.
Bạn Nhự Hồng Linh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết, ngoài các giờ học trên lớp, bạn thường đến thư viện để tìm hiểu thơ văn Bác. “Thế hệ chúng tôi không có may mắn gặp Bác ngoài đời sống thực, nhưng chắc chắn qua thơ ca, văn chương của Người, chúng tôi “gặp” một tinh thần thép, trái tim lớn lao, quả cảm mà cũng đầy thi vị. Điều này cần cho người trẻ hôm nay, trong bối cảnh hội nhập văn hóa, sự hiện hữu của công nghệ số tác động tới mọi mặt cuộc sống, nếu không có tinh thần thép, trái tim quả cảm và ý chí khát vọng thì chắc chắn sẽ bị ở lại phía sau”, bạn Linh bày tỏ.