Gạo tăng giá do hiện tượng đầu cơ

Hơn một tuần nay, gạo bán lẻ trong nước được bán tại các cửa hàng tăng 5%-15% nên một số người dân mua tích trữ. Tuy nhiên, các hệ thống phân phối vẫn bán giá bình ổn, thậm chí còn có các chương trình khuyến mãi.
Người tiêu dùng mua gạo tại siêu thị ở TP Thủ Đức, TPHCM
Người tiêu dùng mua gạo tại siêu thị ở TP Thủ Đức, TPHCM

Cửa hàng tăng giá, siêu thị giảm giá

Ghi nhận tại các cửa hàng bán gạo trên đường Tô Hiến Thành (gần chợ Hòa Hưng, quận 10, TPHCM) đều có bảng giá cho từng loại gạo, như: gạo dẻo thơm Thái Lan 18.000 đồng/kg, bụi sữa nở xốp 18.000 đồng/kg, Tài nguyên Long An giá 18.500 đồng/kg…

Một nhân viên bán gạo ở đây cho biết, hơn một tuần trước, gạo cung cấp tăng giá từ 500-3.500 đồng/kg, tùy loại. Ở nhiều cửa hàng khác, giá gạo cũng tương tự. Trong khi đó, gạo được bán trong các hệ thống phân phối hiện có giá không tăng mà còn giảm sâu, kèm theo các chương trình khuyến mãi.

Tại siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh (quận 1, TPHCM), các gian hàng trưng bày các loại gạo đều có kèm bảng giảm giá rất lớn để khách hàng dễ nhìn thấy. Đơn cử, khách hàng mua sản phẩm thứ 2, 4, 6 áp dụng từ ngày 10-8 đến ngày 23-8 với gạo ST24 của thương hiệu Co.op Finest giá 149.000 đồng/túi 5kg giảm còn 89.000 đồng/túi; gạo ST25 Co.op Finest có giá 189.000 đồng/túi 5kg giảm còn 99.000 đồng/túi. Nhiều loại giảm giá áp dụng từ ngày 10-8 đến ngày 23-8 như gạo Nàng hoa Co.op Select có giá 110.000 đồng/túi 5 kg giảm còn 89.000 đồng/túi; gạo Jasmine Co.op Select giá 128.000 đồng/túi 7kg giảm còn 118.000 đồng/túi…

Đại diện siêu thị Co.opmart cho biết, trung bình mỗi tháng, siêu thị dự trữ 1.270 tấn gạo và tăng lên 1.800 tấn trong 3 tháng tết. Ngoài thương hiệu Wilmar, Tấn Vương tham gia bình ổn, siêu thị còn có gạo Co.op Happy không nằm trong chương trình bình ổn nhưng có giá tốt tương đương. Nếu thị trường có biến động, siêu thị và các nhà cung cấp vẫn phối hợp giữ giá và giảm giá để chia sẻ cùng người tiêu dùng.

Tương tự, đại diện các siêu thị GO!, Big C cho biết, hệ thống vẫn kinh doanh mặt hàng gạo bình thường, không có đột biến về lượng mua. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung ứng mặt hàng gạo đều khẳng định sẽ luôn ưu tiên cho thị trường trong nước.

Khách hàng mua gạo tại siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh (quận 1, TPHCM). Ảnh: THANH HẢI

Khách hàng mua gạo tại siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh (quận 1, TPHCM). Ảnh: THANH HẢI

Khuyến cáo nông dân không bán lúa non

Tại ĐBSCL, khi giá gạo bật tăng, không chỉ doanh nghiệp, nông dân mà ngay cả “cò lúa” cũng hoạt động nhộn nhịp. Khi thấy giá lúa hấp dẫn, nhiều nông dân đã bán lúa non. Rất nhiều diện tích lúa 3 vụ (90-100 ngày thu hoạch), mới sạ được 30 ngày đã được nông dân bán cho “cò”. Tuy vậy, không phải nông dân nào cũng trọn niềm vui sau khi nhận tiền cọc bán lúa.

Ông Nguyễn Văn Như (ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) là trường hợp điển hình. Ông Như kể trong tiếc nuối, đầu tháng 8, ông nhận tiền cọc 6 triệu đồng/2ha với giá lúa bán 6.700 đồng/kg, nhưng hơn 10 ngày sau, giá lúa trên thị trường đã tăng lên 7.000 đồng/kg.

Trước tình hình nông dân ồ ạt bán lúa non, chính quyền và ngành nông nghiệp nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tập trung tuyên truyền, đề nghị nông dân trồng lúa bình tĩnh, giữ lúa chín đến kỳ thu hoạch mới bán nhằm tránh rủi ro. Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT Cần Thơ), khuyến nghị: nông dân không nên nóng vội trồng lúa nhiều, chăm sóc nhanh để tăng năng suất, kịp bán trong thời điểm giá lúa tăng cao, bởi như vậy sẽ dẫn đến tình trạng bón phân thừa đạm, gây bùng phát dịch bệnh trên cây, chất lượng hạt gạo thấp, khi đó thương lái, “cò” sẽ lấy cớ ép giá và nhiều hậu quả, hệ lụy khác sẽ kéo theo.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, phân tích, giá gạo bán lẻ tăng cao là do giá lúa tăng từ khoảng 6.000 đồng lên 8.000 đồng/kg. Thời điểm trước, các thương nhân đã mua lúa giá cao để xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, gạo xuất khẩu đã “hạ nhiệt”, các thương nhân găm hàng quay lại tăng giá cung cấp cho các nhà bán lẻ. Đây có thể xem là hiện tượng đầu cơ, bởi Việt Nam đang trúng mùa vụ lúa vừa rồi nên không sợ thiếu gạo.

Trao đổi với Báo SGGP, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, hiện nay một số nhà cung cấp đề nghị các siêu thị cho tăng giá gạo khoảng 10% nhưng các hệ thống phân phối không chấp thuận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cung ứng gạo bình ổn thị trường vẫn giữ ổn định giá. Nhằm bình ổn thị trường gạo, Sở Công thương TPHCM đang phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, TP Thủ Đức, các quận, huyện… theo dõi diễn biến thị trường, giá gạo trên địa bàn. Sở đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo tuân thủ quy định về thu mua lúa, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Riêng những doanh nghiệp bình ổn giá gạo tại TPHCM phải tuân thủ cam kết trong chương trình bình ổn thị trường; đồng thời có kế hoạch chủ động triển khai thu mua, dự trữ, đảm bảo cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống…

* GS-TS VÕ TÒNG XUÂN, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Cần Thơ: Bình tĩnh trước biến động của thị trường

Từ lâu, gạo Việt đã có uy tín trên thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để đưa hạt gạo Việt vươn xa. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp và nông dân tăng cường liên kết, giúp nông dân sản xuất ra sản phẩm lúa gạo đạt chuẩn xuất khẩu, chất lượng cao, giá tốt; là điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tăng thu nhập, hài hòa quyền lợi từ mặt hàng lúa gạo.

Diễn biến này sẽ có không ít doanh nghiệp đối diện với thách thức: trước đây đã ký hợp đồng với đối tác theo giá thấp, nay mua lúa gạo với giá cao, khó mua số lượng lớn do giá lúa gạo tăng quá nhanh. Hơn lúc nào hết, đây là lúc cần sự bình tĩnh, ứng xử khéo léo với thị trường của cả doanh nghiệp, nông dân, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp, để khẳng định thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên con đường xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục